Doanh nghiệp Việt tăng tốc trên đường đua gọi xe công nghệ

Chinh Vũ-Thứ bảy, ngày 09/12/2023 12:32 GMT+7

VTV.vn - Bài toán hóc búa "tăng thu, giảm chi" của các hãng gọi xe công nghệ đang phần nào được các doanh nghiệp giải bằng cách giải mang tên: chuyển đổi xe điện.

Từ ngày 8/12, hãng giao đồ ăn trực tuyến Baemin đã chính thức dừng hoạt động tại Việt Nam, kết thúc hành trình hơn 4 năm vào thị trường nước ta. Giới quan sát đánh giá đây là minh chứng cho dấu chấm hết của giai đoạn đốt tiền đổi lấy tăng trưởng của ngành gọi xe công nghệ.

Trong bối cảnh này, "đốt tiền" đã trở thành khái niệm quá xa xỉ với ngành công nghệ. Thay vào đó, các doanh nghiệp đang phải dùng mọi cách để "tăng thu - giảm chi". Điểm tích cực là các doanh nghiệp Việt đang thể hiện khả năng vận dụng chiến lược này, để nâng sức cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ.

Bài toán hóc búa "tăng thu, giảm chi" của các hãng gọi xe công nghệ, đang phần nào được các doanh nghiệp giải bằng cách giải mang tên: chuyển đổi xe điện. Khi xe điện được cho là có thể mang lại những trải nghiệm dịch vụ mới cho người dùng, từ đó tăng thu; vừa giúp các tài xế công nghệ giảm được chi phí vận hành. Thậm chí, xe điện còn đang trở thành một lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường này.

Gia nhập thị trường gọi xe công nghệ cách đây 7 tháng, doanh nghiệp Việt Xanh SM xác định lợi thế cạnh tranh là dùng toàn bộ xe điện. Đại diện startup cho rằng kết quả cán mốc 6 triệu người dùng là ngoài kỳ vọng.

Theo một số thử nghiệm của các doanh nghiệp, dùng xe điện có thể giảm 35-75% chi phí nhiên liệu so với xe xăng. Anh Lê Quốc Huy, tài xế taxi điện, cho biết: "Mình hoàn toàn tự tin đi đón được những cuốc xa, từ 10km - 20 km vì trung bình chỉ mất vài % pin thôi nhưng với các anh em xe xăng thì đó sẽ là trở ngại lớn".

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Xanh SM, nhận định: "Đây không phải là bài toán về 1,2 tỉnh thành phố nữa mà là vài chục tỉnh thành phố. Do đó, chúng tôi phải cố gắng làm sao giữ được chất lượng dịch vụ. Nói thì dễ nhưng sẽ có rất nhiều thứ cần làm để đạt được. Thứ hai là cần thêm thời gian để phổ biến đến người dùng sử dụng nhiều hơn".

Một doanh nghiệp Việt khác là Be năm nay cũng bắt tay với đối tác để bổ sung các dịch vụ gọi xe điện trên nền tảng.

Thực tế, dù thị phần ngành gọi xe công nghệ phần lớn vẫn nằm trong tay doanh nghiệp ngoại, nhưng gần đây các ứng dụng Việt đang cải thiện vị thế cạnh tranh. Khảo sát mới cho thấy xét về mức độ yêu thích, Grab chiếm phần lớn với 56%. Hai cái tên theo sau đều là doanh nghiệp Việt là Mai Linh 11%, Be 8%. Trong đó Be soán ngôi của Gojek.

Giới quan sát cho rằng, tận dụng yếu tố xe điện có thể giúp doanh nghiệp Việt tăng tốc tốt hơn.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc thị trường Việt Nam, Quỹ Genesia Ventures, nhận định: "Đó là lợi thế cạnh tranh ban đầu nhưng bản chất vẫn là chúng ta luôn luôn giữ được chất lượng thật tốt. Các bác tài xế cung cấp dịch vụ như thế nào, khách hàng có muốn đặt cuốc xe tiếp theo hay không. Do đó, doanh nghiệp luôn luôn phải tối ưu được chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để giữ chân được khách hàng".

Cả ngành gọi xe công nghệ Việt Nam đang có giá trị 3 tỷ USD. Nếu chỉ tính riêng mảng giao đồ ăn trực tuyến, sự rời đi của Baemin sẽ để lại hơn 10% thị phần. Nhìn ở góc độ tích cực, khó khăn của doanh nghiệp này lại có thể trở thành cơ hội cho các công ty khác. Đặc biệt, với nhóm doanh nghiệp Việt vẫn đang ở thế yếu hơn trong ngành gọi xe công nghệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước