Doanh nghiệp vẫn loay hoay với trên con đường đổi mới sáng tạo

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 17:15 GMT+7

Doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình đổi mới sáng tạo

VTV.vn-Chính sách hỗ trợ chưa tập trung vào từng lĩnh vực, tổ chức ươm tạo hạn chế, ý tưởng khởi nghiệp chưa kết nối hiệu quả...là yếu tố cản đường doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở vật chất, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo).

Nhiều rào cản, thách thức

Tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” vừa diễn ra, nhiều chuyên gia đánh giá, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã được ban hành và có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nước ta đã và đang hướng mạnh việc gắn nhiệm vụ khoa học và công nghệ với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường. Đồng thời kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ tối đa cho các tổ chức khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân thành lập viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đến nay, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về khoa học và công nghệ.

Doanh nghiệp vẫn loay hoay với trên con đường đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình đổi mới sáng tạo

Nhờ đó, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...Tất cả những yếu tố bất cập đó đã khiến con đường đến với đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp gặp nhiều rào cản, khó khăn và hiệu quả chưa cao. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện, nhất là đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh từng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tất yếu. Nếu Việt Nam không chớp cơ hội này sẽ không còn cơ hội khác. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động bắt nhịp xu thế và thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh thêm, doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo, vì nếu không đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao như vậy.

Theo CEO Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, thông thường các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc tái cấu trúc theo xu hướng đổi mới sáng tạo thường là các doanh nghiệp trẻ, năng động, quy mô nhỏ, nắm bắt nhanh về công nghệ và xu hướng kinh doanh nhưng lại thiếu nguồn lực tài chính, dữ liệu thị trường, khách hàng vốn là điểm mạnh của các doanh nghiệp lớn kinh doanh theo mô hình truyền thống lâu năm. Nếu biết kết hợp giữa các doanh nghiệp này với nhau trên cơ sở đối tác kinh doanh chiến lược thì bài toán tìm kiếm nguồn lực cho đổi mới sáng tạo sẽ được giải quyết. Ngoài ra các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đổi mới công nghệ… thuộc cả khu vực công và tư cũng là các nguồn lực quan trọng cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Bàn về vai trò của doanh nghiệp trên con đường đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến. Trong Lễ công bố Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2023, bà Dương Thanh Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT Canifa cho biết, mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách đón một cơn bão khác nhau, hiện Canifa đã lựa chọn đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để có thể vượt qua cơn bão hoàn hảo của kinh tế thế giới. Chủ nghĩa kinh nghiệm đã lạc hậu, và doanh nghiệp cần trải qua giai đoạn tái khởi động và nâng cao năng lực doanh nghiệp liên tục với công nghệ.

Còn theo ông Phạm Quang Chiến, Phó Tổng giám đốc Citek, doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh cũng như lộ trình ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách tích hợp, linh hoạt hơn khi ứng dụng công nghệ. Công nghệ lõi sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp giải phóng khỏi các áp lục về việc ĐMST nhỏ lẻ, rời rạc giữa các quy chuẩn...

Chính sách nhiều nhưng vẫn thiếu

Theo Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Thy Nga, hiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. Doanh nghiệp gặp lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo bởi không biết làm theo đâu.

Có thể đánh giá, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai đổi mới sáng tạo hiện nay vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách để tận dụng. Còn thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, bài bản để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi. 

Theo đại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, không phải các nhà quản lý doanh nghiệp nào cũng đều có đầy đủ các thông tin, kiến thức và các điều kiện để có thể chuyển đổi số. Để chủ động hơn, cũng như đón nhận các xu hướng mới trong chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều đó khiến doanh nghiệp loay hoay không trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, chẳng biết cách nào để thụ hưởng. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng bị đứt gãy.

Từ bảng xếp hạng GII từ năm 2017 - 2023 cho thấy, hạn chế lớn trong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu nằm ở cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và nghiên cứu; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Trong Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023, 75% doanh nghiệp được khảo sát khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.

Trước tình hình đó, để khắc phục những hạn chế trên, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, theo các chuyên gia cần sự tham gia chủ đạo của yếu tố Nhà nước. Theo TS. Võ Trí Thành, rõ ràng cần có sự tham gia mạnh mẽ, dẫn đầu của Nhà nước vì đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách. Các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, với vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ KH&ĐT), nên là đầu mối, trung tâm tập hợp thông tin tổng thể hệ thống cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, NIC nên triển khai thí điểm mô hình tập hợp các ý kiến đóng góp, các sáng kiến của các chuyên gia, đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Từ thu hút đóng góp về ý tưởng, cần tiến đến thu hút về vốn, kiều hối.

Hơn thế nữa, chúng ta cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới; cần tập trung tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu, tăng nhận diện thương hiệu./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước