Doanh nghiệp theo sát biến động giá cước vận tải biển

VTV Digital-Thứ tư, ngày 28/08/2024 14:52 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình thị trường giá cước, để có những giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường có biến động.

Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động ở nhiều thị trường. Một phần trợ lực đến từ việc giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt từ 15-30% trên tất cả các tuyến. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay giảm mạnh nhất là tuyến châu Á - bờ Tây nước Mỹ và châu Âu với mức giảm khoảng 20% - 30% so với cùng kỳ tháng trước.

Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải biển, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ví dụ như giảm chi phí vận tải, dễ dàng hơn trong việc đặt chỗ và tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn nên theo dõi sát sao tình hình bởi mùa cao điểm cuối năm đang đến gần.

Nếu nhìn vào tuyến vận tải nhộn nhịp nhất: tuyến châu Á- Bắc Mỹ có thể thấy, sau thời gian cao điểm vào tháng 6 và 7- giá cước vận tải biển trong tháng 8 có xu hướng giảm. Với mức khoảng 6300 USD/ container loại 40 feet- mức giá này đã giảm khoảng 20% so với tháng trước. Và tính trung bình mỗi tuần, giá cước giảm khoảng 3-4%. Nguyên nhân của việc hạ nhiệt này được chỉ ra do tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn đã không còn xảy ra.

Doanh nghiệp theo sát biến động giá cước vận tải biển - Ảnh 1.

Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động ở nhiều thị trường

Bà Bùi Vân Kiều - Giám đốc Điều hành Addicon Logistics cho biết: "Bắt đầu từ tháng 9 trở lên, xu thế quay trở lại sẽ phải tăng bởi đây là quý cuối cùng của năm, tại thời điểm quý cuối cùng của năm có những hoạt động diễn ra và đặc biệt cho ngành xuất khẩu, họ sẽ xuất cho mùa new year hoặc dự trữ stock cho năm mới".

Dù giá cước giảm song trước các biến động khó lường của thị trường, doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi chiến lược với chi phí logistics: chuyển phần cước tàu cho người mua.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ: "Sắp tới, thay vì bán giá CNF, chúng tôi sẽ chuyển qua bán FOB, bán hàng hóa tại cảng - cước vận chuyển tùy thuộc theo hãng tàu, để giúp doanh nghiệp đỡ rủi ro trước sự không ổn định của cước vận chuyển".

Trong đó, sản lượng hàng hóa vận tải biển đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm gần đây. Tính trong 7 tháng của năm 2024, sản lượng đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng hàng container đạt 16,9 triệu Teu, tăng 21%.

Ông Nguyễn Hoài Chung - Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nhận định: "Chúng tôi muốn nhắc tới các đơn vị xuất khẩu có lượng hàng lớn, ổn định từ đây đến cuối năm có thể chủ động làm việc với các hãng tàu hoặc các đơn vị giao dịch vận chuyển, để kiếm hợp đồng dài hạn, ổn định mức giá cước, tránh việc giá cước tăng đột biến".

Cục Hàng hải Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường giá cước, để có những giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường có biến động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước