Thay vì chật vật tuyển dụng lao động mới và dành thời gian đào tạo, nhiều doanh nghiệp đã tái cơ cấu sản xuất, từ bố trí lại nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đến đầu tư chuyển đổi số, tự động hoá, tối ưu hoá sử dụng lao động để phù hợp với tình hình có dịch.
Căn cứ thực tế, doanh nghiệp chọn lọc chứ không nhận hết các đơn hàng, để vừa khôi phục hoạt động, vừa tái cơ cấu sản xuất.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, cho biết: "Mở rộng hoạt động sản xuất của công ty, chúng tôi tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Về nguyên liệu, chúng tôi chủ động trong cả khâu nuôi trồng đến sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường".
Tự động hoá, tối ưu hoá sử dụng lao động để phù hợp với tình hình có dịch cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp sau giãn cách. Nhiều doanh nghiệp đã nhập máy móc để tự động hóa một số khâu; hình thành cơ sở dữ liệu để trực tuyến các khâu chào hàng, bán hàng... Tính toán, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm số lao động sản xuất, tăng năng suất lên gấp nhiều lần.
Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận định, sau dịch bệnh, các hình thức mua bán, đặt hàng… đã thay đổi, giảm yếu tố tiếp xúc trực tiếp nên doanh nghiệp phải thiết kế, định vị lại sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số sẽ làm chuyện giãn cách giữa người với người tốt hơn. Sản xuất vừa an toàn mà hiệu quả sản xuất tăng lên. Chúng tôi vẫn động viên doanh nghiệp tái cấu trúc theo hướng này".
Tuy nhiên, với chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi lao động tay nghề cao là lý do vẫn chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi số sau dịch. Các chuyên gia nhấn mạnh, tái cấu trúc trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần thời gian, điều kiện cụ thể và tập trung vào các trụ cột.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!