Định danh người bán hàng online: Chặn trốn thuế, chống hàng giả

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 15/10/2024 09:28 GMT+7

VTV.vn - Sẽ sớm bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán hàng cá nhân. Trên các website, 1 số nền tảng kinh doanh trực tuyến bắt đầu yêu cầu định danh tài khoản người bán hàng

Bộ Công thương cho biết sẽ sớm bổ sung sửa đổi chính sách quản lý thương mại điện tử, trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản người kinh doanh trực tuyến. Đã có những sàn thương mại điện tử đầu tiên yêu cầu định danh người bán hàng. Khi người bán hàng được định danh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, trốn thuế liệu có được giải quyết? Cần lộ trình và giải pháp nào để triển khai xác thực tài khoản kinh doanh trực tuyến?

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng năm 2023 là 25%. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này kéo theo tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thất thoát thuế ngày càng tinh vi phức tạp. Bộ công thương cho biết sẽ sớm bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán hàng cá nhân, cung cấp thông tin trên các website, 1 số nền tảng kinh doanh trực tuyến bắt đầu yêu cầu định danh tài khoản người bán hàng. Động thái này nhận được đánh giá cao từ phía người tiêu dùng.

5 năm trước, khi còn là sinh viên, chị Thảo đã bán hàng trực tuyến trên Shopee với việc đăng ký đơn giản chỉ cần địa chỉ thư điện tử và có thể dùng nickname. Sau thời gian gián đoạn vì COVID-19, chị trở lại kinh doanh online, nhưng giờ phải xác thực tài khoản cá nhân bằng căn cước công dân.

"Xác thực tài khoản trên Shoppe dùng căn cước công dân tôi thấy khá là phù hợp. Nhà nước cũng dễ kiểm soát hơn. Là công dân tôi sẵn sàng đóng thuế nếu kinh doanh trên Shopee", chị Trần Phương Thảo, tỉnh Hưng Yên chia sẻ.

"Có quyết định này ra rồi thì tôi yên tâm hơn khi mua hàng, tin tưởng chủ shop đấy hơn. Nếu sản phẩm của mình có vấn đề gì thì có thể tìm đến để bảo hành hoặc đổi trả", chị Lê Ngọc Minh, TP Hà Nội chia sẻ.

Trong những năm gần đây, Bộ Công thương đã áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phát hiện vi phạm.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết: "Chúng ta cũng có 2 công cụ, có thể dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử, hoặc dùng ứng dụng VNeID cấp độ hai, 2 hình thức này đều giúp xác thực đúng chủ thể".

Gần đây trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số vài trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi phiên. Theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp

Nhiều vi phạm trong kinh doanh trực tuyến

Định danh người bán hàng online: Chặn trốn thuế, chống hàng giả - Ảnh 1.

Sẽ sớm bổ sung quy định xác thực tài khoản đối với người kinh doanh trực tuyến để bảo vệ người tiêu dùng.

Cụ thể, 8 tháng năm 2024, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ công thương đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan Công an. Số vụ vi phạm trong thương mại điện tử bị xử lý tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong lĩnh vực thuế, trong 3 năm 2021 - 2023, Tổng cục Thuế đã xử lý hơn 22.000 trường hợp bán hàng online vi phạm nộp thuế, truy thu thuế gần 3.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế cũng xử lý gần 4.600 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Các nước siết chặt quản lý

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã triển khai những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động bán hàng trực tuyến. Các chính sách đều hướng tới tăng cường tính minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng một thị trường lành mạnh và bền vững hơn. Ví dụ từ một số quốc gia châu Á.

Như theo quy định mới, giới chức Thái Lan nêu rõ việc bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng kỹ thuật số phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý, như các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này. Bên cạnh đó, người bán hàng phải cung cấp thông tin chi tiết rõ ràng về sản phẩm như chứng chỉ tiêu chuẩn, thông tin về nhà nhập khẩu và các thông tin liên quan trọng khác. Nhà cung cấp cũng phải xác thực danh tính của mình khi nộp đơn xin bán hàng trên các nền tảng kỹ thuật số.

Trong khi đó, cơ quan Quản lý thị trường Trung Quốc tiếp tục công bố hàng loạt quy định mới để quản lý ngành công nghiệp bán hàng trực tuyến. Người bán trên Internet, TV hoặc điện thoại phải nêu rõ thông tin về sản phẩm trên trang chủ, màn hình, cuộc gọi hoặc catalog. Các sàn cũng phải công khai tên, địa chỉ và thông tin liên lạc của người bán. Các nền tảng cũng không cho phép người bán hàng trực tuyến đưa ra so sánh, như "rẻ nhất" hay "tốt nhất". Bên vi phạm sẽ bị phạt không được bán hàng trực tuyến trong thời gian nhất định, thậm chí cấm vĩnh viễn.

Thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa. Đã có khoảng 61 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á. Do vậy, việc tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng trở thành 1 nhiệm vụ cấp thiết. Trong khi số lượng giao dịch rất lớn trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng, thì áp dụng công nghệ là hướng đi không thể khác, trong đó xác thực tài khoản sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp tăng cường trách nhiệm của cả người bán hàng, nền tảng cung cấp dịch vụ, xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước