Điệp khúc “ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu”: Đâu là giải pháp bài bản, căn cơ?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/01/2022 06:20 GMT+7

VTV.vn - Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu - “điệp khúc” đến hẹn lại lên, thậm chí năm nay còn nghiêm trọng hơn do dịch bệnh. Đâu là những giải pháp bài bản, căn cơ cho vấn đề này?

Khôi phục thông quan tại một số cửa khẩu

Việc hàng hóa Việt Nam lên các cửa khẩu quốc tế cũng như các cửa khẩu của địa phương sang thị trường Trung Quốc bị ách tắc thường xuyên diễn ra những năm qua. Nhưng năm nay, do Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tình trạng ách tắc càng kéo dài hơn, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nông dân Việt Nam.

Sau nỗ lực đàm phán giữa các Bộ và giữa các lực lượng chức năng 2 nước, việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu. Đến nay, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã khôi phục thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới tại thành phố Đông Hưng và phía Việt Nam là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Điệp khúc “ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu”: Đâu là giải pháp bài bản, căn cơ? - Ảnh 1.

Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu - “điệp khúc” đến hẹn lại lên, thậm chí năm nay còn nghiêm trọng hơn do dịch bệnh. Ảnh: VGP.

Tại Móng Cái, sau hơn 20 ngày ùn ứ, các mặt hàng nông sản, thủy sản đã được ưu tiên giải phóng. Hiện còn khoảng 1.200 xe hàng đang ùn ứ tại đây. Lãnh đạo thành phố Móng cái cho biết sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.

Phía Móng Cái, Việt Nam và Đông Hưng, Trung Quốc thống nhất đồng bộ các phương án phòng chống dịch, đổi lái xe ngay tại khu vực trung chuyển hàng hóa, không để người của mỗi bên di chuyển vào nội địa. Tương tự, tỉnh Lào Cai đang dự kiến xây dựng phương án vùng xanh khoảng 30ha, tạo ra các hàng rào cứng đế phân luồng hàng hóa và chống dịch.

Tại Lạng Sơn vẫn chỉ có 3 cửa khẩu thông quan gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma và ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng nhưng với số lượng rất hạn chế. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 1.800 xe hàng đang dừng chờ thông quan.

Chế biến để giảm sức ép xuất khẩu nông sản

Cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đang tăng cường đối thoại, mở thêm cửa khẩu, điều tiết hàng lên biên giới... Nhưng cần phải khẳng định rằng những biện pháp này chỉ là tình thế tạm thời, nếu không có giải pháp căn cơ tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu chắc chắn sẽ lặp lại.

Lúc này, giải pháp tăng cường chế biến từ các nhà máy trong nước sẽ là cơ sở quan trọng để tiêu thụ hết một số loại nông sản đang tồn đọng tại cửa khẩu.

Điệp khúc “ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu”: Đâu là giải pháp bài bản, căn cơ? - Ảnh 2.

Xe chở xoài của Đồng Tháp có mặt tại nhà máy chế biến ở Ninh Bình.

Xe chở xoài của Đồng Tháp sau 20 ngày nằm trên cửa khẩu mà không có kết quả đã quay đầu và có mặt tại nhà máy chế biến ở Ninh Bình. Doanh nghiệp chế biến sẽ tiến hành kiểm tra dư lượng, màu sắc và độ ngọt.

Qua kiểm tra những contener nằm chờ trên dưới 20 ngày vẫn đảm bảo chất lượng để chế biến. Đây là cơ sở để mỗi ngày số xe về nhà máy tăng dần.

"Giải pháp này giúp bà con nhiều, giải cứu bọn em đỡ phần nào vì nằm trên cửa khẩu không biết bao giờ mới mở biên", anh Phạm Hùng Phương - chủ xe nông sản Đồng Tháp cho hay.

Ông Đinh Anh Đức - Giám đốc nhà máy chế biến Doveco Ninh Bình cho biết: "Lượng xoài về đây hàng ngày hàng trăm tấn nhưng với công suất của nhà máy và hợp đồng chúng tôi có sẽ hoàn toàn đáp ứng được và nếu hơn thế cũng không vấn đề gì".

Theo doanh nghiệp, xoài từ cửa khẩu sẽ được chế biến thành 2 sản phẩm là xoài đông lạnh cắt miếng và xoài pure để xuất khẩu vào nhật bản và châu Âu. Hướng đi này cũng đang đăt ra với sản phẩm thanh long khi hiện còn 300.000 tấn cần tiêu thụ.

Hiện nhiều doanh nghiệp, nhà khoa hoc đã nghiên cứu đưa thanh long vào làm rượu, sấy dẻo, bánh mì, bún và mới đây nhất là mì tôm.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã lên danh sách 237 doanh nghiệp, cơ sở chế biến rau quả tại 22 tỉnh và đề nghị các tỉnh cần tăng cường phối hợp kết nối thông tin gắn với các vùng trồng rau quả trọng điểm. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu đầu tư xây dựng các cụm liên kết logistics nông sản.

Tháo gỡ tắc biên từ vận chuyển bằng đường sắt

Bên cạnh giải pháp về chế biến cũng có một giải pháp rất quan trọng nữa đó là các phương thức vận tải nông sản. Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ các tuyến đường sắt liên vận đi các nước ASEAN cũng như khu vực châu Âu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cản trở vận tải đường biển và đường hàng không, dịch vụ đường sắt chở hàng đã trở thành một giải pháp tốt.

Lượng hàng vận chuyển bằng đường sắt đã tăng hơn 50% trong năm ngoái và tiếp tục tăng trong năm nay. Đây cũng được coi là một hướng đi có thể góp phần giải quyết tình trạng hàng hóa ùn ứ vẫn hay xảy ra tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một chuyến tàu liên vận Trung Quốc - Việt Nam - Bỉ, lúc bình thường hàng hóa từ Việt Nam chở tới Trùng Khánh và đi Bỉ, Đức… Vận chuyển bằng phương tiện này vừa an toàn dịch bệnh lại giảm đáng kể chi phí, bằng một nửa thời gian so với đi bằng đường biển.

Thời dịch theo nhiều chuyên gia nếu tận dụng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ các tỉnh phía Bắc nước ta đến thẳng các trung tâm phân phối hàng hóa logistic sâu trong nội địa Trung Quốc như Trùng Khánh, Hồ Nam là một hướng gợi mở.

Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, vấn đề quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ trong ký kết với phía bạn. Hàng hóa cũng phải là hàng xuất chính ngạch, hay đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe.

Điệp khúc “ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu”: Đâu là giải pháp bài bản, căn cơ? - Ảnh 3.

Bên cạnh giải pháp về chế biến cũng có một giải pháp rất quan trọng nữa đó là các phương thức vận tải nông sản.

Việc đa dạng hóa phương thức vận chuyện, bên cạnh đường bộ có thể phát huy đường sắt, đường biển cần được cân đối lại như thế nào? Việc đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường sẽ giảm rủi ro, vậy Việt Nam đang đẩy mạnh việc này thế nào?

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký kết giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Vậy Việt Nam tận dụng Hiệp định này như thế nào trong cuất khẩu nông sản?

Xung quanh những vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phần nào giải đáp!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước