Dệt may nỗ lực chuyển đổi xanh để thu hút đơn hàng xuất khẩu

Hải Vân-Thứ hai, ngày 21/08/2023 14:02 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng nhận những đơn hàng yêu cầu tiêu chí xanh, chuyển đổi nhà máy theo tiêu chuẩn LEED để có đơn hàng.

Mới đây, trong Thông báo số 332 về nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại từ nay đến cuối năm. Ngay trong ngành dệt may, nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu từ nay đến cuối năm đã, đang thực hiện.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ. Tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều doanh nghiệp phải xoay xở để có đơn hàng.

Mỗi năm, Công ty Prosport xuất khẩu khoảng 20 triệu sản phẩm sang chủ yếu châu Âu và châu Mỹ, đơn hàng yêu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế hiện nay đã chiếm 15 - 20%.

Trong bối cảnh đơn hàng dệt may nói chung có xu hướng giảm, doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng yêu cầu tiêu chuẩn xanh vẫn giữ ổn định, tăng 15 - 20% qua từng năm. Đối tác không chỉ yêu cầu sản phẩm xanh, mà còn yêu cầu các nhà máy sản xuất cũng cần đáp ứng các chứng chỉ xanh nhất định.

Dệt may nỗ lực chuyển đổi xanh để thu hút đơn hàng xuất khẩu - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 7 tháng chỉ đạt khoảng 19 tỷ USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Khó khăn chủ yếu của các doanh nghiệp dệt may hiện nay khi chuyển đổi xanh là vốn và đơn hàng thời điểm này không đều, lúc có, lúc hủy, nên họ dè dặt trong việc đầu tư chuyển đổi xanh. Vì vậy họ đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ họ trong tìm kiếm đối tác đều đặn hơn.

Theo Bộ Công Thương, tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay, vì thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU đang bình quân là 9,6%, sẽ giảm dần về 0%.

Thời gian tới, hệ thống thương vụ Việt Nam tại EU sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến tìm kiếm đối tác mới cho các mặt hàng này của Việt Nam. Đại diện Bộ Công Thương cũng kiến nghị doanh nghiệp cần hợp sức kết hợp với nhau, tránh tình trạng tranh giành đơn hàng trong hiệp hội, dẫn đến việc bị hủy đơn, ép giá.

Dệt may vượt khó: 'Ăn cháo còn hơn nhịn đói' để giữ công nhân Dệt may vượt khó: "Ăn cháo còn hơn nhịn đói" để giữ công nhân

VTV.vn - Theo đại diện Bộ Công Thương, trong suốt 20 năm qua, ngay cả khi khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu dệt may cũng chưa từng đối diện khó khăn như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước