Ngày 24/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Mỹ để hội đàm cùng Tổng thống Barack Obama về những định hướng mới trong quan hệ song phương. Trong đó, việc tăng cường quan hệ kinh tế thương mại được đánh giá là một trong những trọng tâm của chuyến thăm.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước được lợi nhiều nhất về thương mại và tăng cường hội nhập trong 12 nước đang tham gia đàm phán hiệp định này.
Dệt may và da giày sẽ là hai trong số những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Hiện nay, da giày đang phải chịu thuế suất 14,3% và dệt may là 7% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mức thuế này sẽ tự động giảm xuống 0% khi Việt Nam gia nhập TPP với điều kiện Việt Nam chủ động được hoàn toàn nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, TGĐ Tổng công ty May 10 khẳng định: “Sẽ giảm bớt phần gia công mà tăng thiết kế, tăng cường đầu tư lớn hơn để phù hợp với thị trường Mỹ”.
‘ Dệt may và da giày sẽ là hai trong số những ngành được hưởng lợi lớn nhất. Ảnh: Báo Hải quan
Nếu thuế nhập khẩu vào Mỹ xuống 0%, dệt may và da giày sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn lên Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh - những nước không nằm trong TPP. Để tận dụng lợi thế này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 31 nhà máy sợi, 21 nhà máy dệt nhuộm và 164 nhà máy may với tổng kinh phí hơn 2 tỉ USD.
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Hiện nay chiến lược của ngành dệt may không đơn thuần là gia công nữa, mà nâng dần tỷ lệ nội địa hóa với nguồn nguyên, phụ liệu trong nước. Chúng ta sẽ phải đầu tư cho những vùng nguyên liệu như trồng bông đến sản xuất thành chuỗi của ngành dệt may như sợi, dệt nhuộm và hoàn tất. Đến nay chúng ta đang dần dần hình thành chuỗi đó”.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và các nước thành viên TPP đều thống nhất chung nhận định: Là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Việt Nam sẽ là nước được lợi nhiều nhất trong 12 nước TPP.
Kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ luôn đạt mức tăng trưởng trên 17%, trong đó Việt Nam luôn là nước xuất siêu. Năm 2013, kim ngạch song phương được kỳ vọng sẽ lần đầu tiên vượt qua con số 23 tỷ USD. Năm ngoái, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21, tại cuộc họp cấp cao không chính thức về TPP với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Obama cho biết, Hoa Kỳ sẽ có cách tiếp cận phù hợp trong đàm phán và sẽ hỗ trợ thiết thực các thành viên đang phát triển như Việt Nam.