Đề xuất tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ một năm

Linh Chu-Thứ sáu, ngày 01/10/2021 16:35 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến điều chỉnh giờ làm thêm nhằm giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất, cũng như khắc phục vấn đề thiếu lao động phổ thông hiện nay.

Theo dự thảo, số giờ làm thêm tối đa sẽ nâng lên không quá 300 giờ, từ mức 200 giờ/năm.

Công ty TNHH May Tinh Lợi thiếu hụt lao động phổ thông nghiêm trọng do không tuyển được người, khi nhiều lao động đã về quê sau thời gian áp dụng giãn cách xã hội. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, ước tính doanh nghiệp cần tuyển thêm hơn 1.000 lao động mỗi tháng.

"Chúng tôi có khoảng trên 18.000 cán bộ công nhân viên và doanh nghiệp đang thiếu hụt nghiêm trọng lao động, chủ yếu là lao động công nhân may và công nhân phụ trợ", Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi Đỗ Xuân Hưng cho biết.

Hiện tại, giờ làm thêm được quy định khống chế ở mức 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm. Dự thảo sẽ không khống chế giờ mỗi tháng, nhưng không được vượt quá 300 giờ/năm. Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày.

Đề xuất tăng giờ làm thêm không quá 300 giờ một năm - Ảnh 1.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất tăng giờ làm để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần chú trọng đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động vì họ sẽ phải làm thêm giờ sau ca làm việc chính trong cùng một ngày; đồng thời nên rút ngắn thời gian áp dụng dự thảo.

"Đây là giải pháp tạm thời trong tình huống cấp bách. Chúng tôi nghĩ là nên có giới hạn ngắn, chỉ cùng lắm kéo dài đến tháng 31/12/2023, thay vì đến tháng 12/2024 như Dự thảo của Chính phủ", ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách, Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay.

Được biết, dự thảo sẽ chỉ áp dụng cho một số ngành nghề như: sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất... Ngoài ra, dự thảo đang được Bộ LĐTB&XH hoàn thiện báo cáo Chính phủ sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giải pháp nào để 'giữ chân' lao động sau đại dịch? Giải pháp nào để "giữ chân" lao động sau đại dịch?

VTV.vn-Khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, cùng với kiểm soát tình trạng lây nhiễm dịch bệnh, là những ưu tiên quan trọng trong thời điểm hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước