Máy bay của hãng hàng không Vietjet cất cánh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TTXVN
Trong báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách, đơn vị này đề nghị tăng tần suất đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, ngay sau khi có hướng dẫn biện pháp chống dịch của Bộ Y tế, ngày 17/12/2021, đơn vị này đã gửi văn bản chính thức tới Nhà chức trách hàng không các quốc gia/vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan -Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nối lại chuyến bay thương mại chở khách và có hãng hàng không cả hai bên cùng khai thác giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, riêng Hoa Kỳ, do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và đã được Nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên việc trao đổi là không cần thiết, hãng có thể triển khai ngay chuyến bay như kế hoạch.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tần suất chở khách vào Việt Nam 4 chuyến/tuần/chiều đối với mỗi bên; Chiều từ Việt Nam theo quy định hiện tại. Thời gian dự kiến áp dụng từ 1/1/2022 và sẽ tiếp tục xem xét tùy thuộc tình hình kiểm soát dịch COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài Hoa Kỳ, đã có 4 nước đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam gồm: Nhật Bản, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Singapore, Campuchia.
Trong đó, Nhật Bản đã chỉ định Japan Airlines và All Nippons Airways khai thác. Tuy nhiên, các chuyến bay từ Nhật Bản chưa thể triển khai sớm hơn do các cơ quan Nhật Bản nghỉ lễ đầu năm mới, hành khách chưa thể thực hiện xét nghiệm COVId-19 theo quy định.
Phía Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã có thư trả lời nhất trí nối lại chuyến bay tuy nhiên đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 5 chuyến/tuần.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao tại công văn số 5524/BC-BNG-LS, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính là hơn 140 nghìn người.
Để đáp ứng nhu cầu hành khách, tránh các bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế, các hãng hàng không đều đánh giá cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.
Thực tế, nhiều thị trường không khai thác hết lượng phân bổ như Hoa Kỳ, Campuchia, Lào. Việc sử dụng một phần lượng tải không sử dụng tại các thị trường này để dành cho các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân cũng như đáp ứng đề xuất của đối tác là phù hợp.
Từ đây, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai thực hiện như: đề nghị của Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) là 5 chuyến/tuần (chuyến thứ 5 phân bổ cho Pacific Airlines); cho phép nới lỏng biên độ đàm phán với Nhật Bản, qHàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) với tần suất mỗi thị trường không vượt quá 10 chuyến/tuần/chiều.
Trong một diễn biến liên quan, đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán mở lại đường bay đến châu Âu, Australia. Theo đó, trong điều kiện kiều bào ta ở châu Âu và Australia rất mong muốn có chuyến bay thẳng để về Việt Nam ăn Tết, trong khuôn khổ kế hoạch giai đoạn 2 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tiếp tục đàm phán với các đối tác để triển khai ngay kế hoạch chở khách vào Việt Nam từ các thị trường đã báo cáo là Pháp, Đức, Nga và Australia với tần suất 7 chuyến/tuần đối với mỗi thị trường.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không hạn chế việc vận chuyển khách nối chuyến trên các chuyến bay trong giai đoạn thí điểm. Theo Cục Hàng không Việt Nam, công văn do Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đều không yêu cầu hạn chế việc chở khách nối chuyến.
Các hãng hàng không Việt Nam cũng kiến nghị ủng hộ cho thực hiện hoạt động này vì sẽ có thêm cơ hội hợp tác với các hãng hàng không khác để tiếp nhận khách từ nhiều nơi, đặc biệt là người Việt Nam trên toàn thế giới có nhu cầu về nước.
Đáng chú ý, theo Cục Hàng không Việt Nam, nhiều hành khách quốc tịch Việt Nam đủ điều kiện để nhập cảnh nước ngoài (có visa và các giấy tờ hợp lệ, đã được hãng hàng không gửi thông tin kiểm tra trước khi xuất phát tại Việt Nam) nhưng khi phỏng vấn trực tiếp tại sân bay đến thì bị từ chối nhập cảnh, phải nằm trong khu vực quá cảnh tại các sân bay nước ngoài trong thời gian dài mà chưa được hồi hương do chưa có quy trình cụ thể đối với đối tượng này.
Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân cần sớm có hướng dẫn về vấn đề này
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!