Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thời gian vừa qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2020, giá thép có chiều hướng tăng, đến giữa quý I/2021 có điều chỉnh giảm, nhưng sau đó tiếp tục xu hướng tăng.
"Đến cuối tháng 5, giá thép mới bắt đầu giảm nhưng hiện tại vẫn dùng dằng, chưa có chiều hướng tăng, giảm rõ rệt", VSA nhận định.
Thời gian vừa qua, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Trước diễn biến phức tạp, khó lường gần đây trên thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, lãnh đạo VSA cho biết đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện loạt giải pháp góp phần bình ổn thị trường.
Hiện nay, năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp trong nước tăng nhiều so với trước, nhất là mặt hàng thép xây dựng, "cung cơ bản đáp ứng cầu". VSA cho rằng, các doanh nghiệp nên ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu và giảm chi phí sản xuất... để bảo đảm giá bán hợp lý, bình ổn giá trên thị trường.
VSA đề nghị các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện kê khai, niêm yết giá thép phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo VSA, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp và hợp tác, nâng cao năng lực quản lý, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép; hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, VSA khuyến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ; cũng như duy trì biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Từ cuối năm 2020, giá thép điều chỉnh mạnh và kéo dài sang những tháng đầu năm 2021, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ 2020. Sau đó, vào đầu tháng 6, giá thép hạ nhiệt và có dấu hiệu tăng trở lại cùng đà tăng giá nguyên liệu thế giới, nhưng đến nay chưa rõ đà tăng, giảm.
Về nguyên nhân tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng không có cơ sở cho thấy có sự bắt tay làm giá của các công ty thép. Dịch COVID-19 đã khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.
Mới đây, ngày 21/6, giá thép được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá thép cây giảm 200.000 đồng/tấn; thép cuộn các loại giảm 600.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ 2 một số doanh nghiệp thép tiến hành giảm giá sau phiên giảm hiếm hoi ngày 7/6. Qua 2 lần giảm, hiện giá thép vẫn neo cao, theo đó giá thép xuất xưởng quanh mốc 17.000 đồng/kg (chưa VAT).
Số liệu từ VSA cho thấy, 5 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng khá mạnh, đạt gần 11,96 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng năm 2020.
Tháng 5/2021, sản xuất thép đạt gần 2,92 triệu tấn, tăng trên 3,5% so với tháng 4 và 40% so với 4 tháng đầu năm 2020. Sức bán của các doanh nghiệp thép cũng tăng 18% so với tháng 4 và tăng trên 2 lần so với cùng kỳ 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!