Sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng mục đích sử dụng đất là căn cứ quan trọng để tính các khoản thu tài chính từ đất đai, nên cần được quy định cụ thể tại luật, làm cơ sở cho các nghị định của Chính phủ về chính sách thu tài chính từ đất, chính sách về giá đất, xử lý vi phạm về đất, thống kê đất đai đồng bộ và xuyên suốt.
Điều 9 của dự thảo luật quy định về phân loại đất đai nhưng không có quy định phân loại đất sử dụng đa mục đích, điều này sẽ gây vướng mắc trong quản lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung khái niệm về "mục đích sử dụng đất", "mục đích sử dụng đất chính" trong phần giải thích từ ngữ.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội)
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của các thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh, đại biểu Mai cho rằng cần thu hồi, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để tránh việc phát sinh những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo.
Cụ thể tại Điều 91 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), về Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định: Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 (Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh) và Điều 79 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) của Luật này mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Trong phần báo cáo, làm rõ một số vấn đề, liên quan đến vấn đề đất không đủ diện tích mà đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết trong luật đang để nếu thu hồi với điều kiện người dân phải đồng tình, đồng thuận.
Theo ông Khánh, vấn đề này đảm bảo được quyền của Nhân dân, còn việc xây nhà siêu méo, siêu mỏng này nọ có một luật khác và quy định khác đó quy hoạch đô thị. Vùng, khu đó khi chúng ta làm một dự án chúng ta phải có quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng đó. Có làm được hay không, đấy vẫn đất của Nhân dân nhưng làm như thế nào thì gắn vào đất của đô thị.
"Trong dự thảo luật đang dự kiến khuyến khích để thu hồi cái này nhưng phải được đồng ý, đồng thuận của Nhân dân", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Cần có chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc
Cũng liên quan đến thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) góp ý về vấn đề thu hồi đối với một số dự án bị tắc nghẽn. Đại biểu Trí cho rằng tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.
Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, các văn bản dưới luật này cần có quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định
Về điều 9 phân loại đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Ban soạn thảo đã chú ý đến nhóm đất (đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trú tro cốt) có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên để thực hiện được, đại biểu đề nghị cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất này hiệu quả, trang trọng, đảm bảo vệ sinh, văn minh và nhân văn.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Xác định rõ thuộc tính của đất để mang lợi ích tốt nhất đối với quốc gia
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân. Vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất.
Theo đại biểu Nhân, thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển… mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau.
"Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm được gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương", đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương thì đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Thu hồi đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì Nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!