ĐBQH đề nghị cần làm rõ quy định mua bán bất động sản phải thông qua sàn

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 21:21 GMT+7

VTV.vn - Một số ĐBQH bày tỏ đồng tình với việc quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản tuy vậy cần làm rõ nội dung quy định này.

Chiều 23/6, Quốc hội đã thảo luận tại phiên toàn thể về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều quy định mới nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, một số đại biểu cho rằng, tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 luật có liên quan mật thiết đến nhau gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), vì vậy Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung về xây dựng và quản lý dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Tạ Đình Thi - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Cần lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Chúng tôi cho rằng cũng cần thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên thông giữa cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với hệ thống thông tin đất đai và với các cơ quan quản lý Nhà nước".

Một số đại biểu bày tỏ đồng tình với việc quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch bất động sản, tuy vậy cần làm rõ nội dung quy định này.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm 2 vấn đề: Một là làm rõ thêm sàn giao dịch bất động sản ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử và làm rõ tiêu chí cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu"; Hai là cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn theo hướng phân loại, phân khúc các các loại giao dịch bất động sản. Trong đó, có loại giao dịch bắt buộc phải thực tiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần qua sàn giao dịch", ông Lưu Bá Mạc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị.

ĐBQH đề nghị cần làm rõ quy định mua bán bất động sản phải thông qua sàn - Ảnh 1.

Phiên thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản chiều 23/6.

Có ý kiến cho rằng, sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp thông thường, không phải cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ của Nhà nước. Do đó, việc bắt buộc các chủ thể khác phải sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp thông thường tạo nên sự bất bình đẳng, vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, xung đột với Luật Công chứng.

Ông Dương Khắc Mai - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng: "Quy định tại điều 61 đang trao cho sàn giao dịch quá nhiều quyền vốn không thuộc chức năng, nhiệm vụ của nó. Chồng lấn và xung đột với các quy định khác của pháp luật, trong đó có luật công chứng. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại cho phù hợp".

"Chính các chủ đầu tư có thể thành lập sàn bất động sản để bán sản phẩm cho mình tạo nên các giao dịch ảo nhằm lũng đoạn thị trường, đẩy giá bán lên cao. Vì những lý do nêu trên, tôi kiến nghị ban soạn thảo kiểm soát điều chỉnh tất cả các giao dịch bất động sản có ít nhất một bên cá nhân tham gia phải bắt buộc công chứng. Hai là khuyến khích nhưng không bắt buộc bất cứ giao dịch nào cũng phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Ba là bỏ quy định xác nhân của sàn giao dịch bất động sản là căn cứ để các bên tham gia giao dịch tiến hành các thủ tục tiếp theo", ông Cầm Hà Chung - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ kiến nghị.

Trước đó, vào đầu giờ chiều nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước