2024 được nhận định là một bước đệm rất quan trọng để hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt là diện tích cần được giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các dự án lên đến 1.500 ha. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp phải được triển khai nhanh chóng để đưa các dự án về đích đúng tiến độ.
Dự án đường Vành đai 2 tại TP. Hồ Chí Minh đoạn 3 hiện tạm dừng thi công khoảng 4 năm nay vì vướng mắc pháp lý, chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng đối với hơn 20 hộ dân.
Chính quyền thành phố đang vận dụng cơ chế đặc thù, tìm cách khai thác quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư để dự án được thi công trở lại, giúp những hộ dân đã bàn giao mặt bằng như nhà chị Trinh sớm ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thục Trinh - TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Mong muốn của tôi là đường này sớm hoàn thiện, khép kín, trả lại cuộc sống mưu sinh cho người dân trên toàn tuyến đường Vành đai 2".
Để có thể khép kín dự án đường Vành đai 2, cũng như chuẩn bị cho các dự án mang tính kết nối vùng khác như Vành đai 4, hay cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, năm 2024 được xác định sẽ là cao điểm của giải phóng mặt bằng. Với tổng diện tích giải phóng mặt bằng lên đến 1.500 ha, ảnh hưởng đến 2.000 hộ dân. Và tổng giá trị chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 20.000 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 kết nối TP. Hồ Chí Minh với Long An, Bình Dương và Đồng Nai đang đứng trước áp lực hoàn tất giải phóng mặt bằng trong quý II để đảm bảo tiến độ. Với riêng TP. Hồ Chí Minh, hiện đã hoàn tất bàn giao khoảng 405 ha đất cho dự án, đạt tỷ lệ hơn 98%.
Dự án đường Vành đai 3 kết nối TP. Hồ Chí Minh với Long An, Bình Dương và Đồng Nai đang đứng trước áp lực hoàn tất giải phóng mặt bằng
Lãnh đạo thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện quy định giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục dự án đầu tư công, để kịp giao mặt bằng cho Vành đai 3 và các dự án trọng điểm khác.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Vốn bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2023 phải giải chi được đến các hộ dân để kết thúc trong quý II. Và cơ bản là bàn giao mặt bằng để đủ điều kiện khởi công các dự án trong quý III/2024".
Theo Ban Giao thông TP. Hồ Chí Minh, các dự án như Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài cũng sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù như đối với Vành đai 3. Tức là sẽ tách phần giải phóng mặt bằng làm riêng so với phần xây lắp. Ngay khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư, cơ quan này có thể thực hiện ngay những công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng để đẩy tối đa tiến độ.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Để khi dự án được duyệt, chúng ta đã có sẵn sàng các giá trị, khối lượng, chủng loại đất, hồ sơ chuyển sang phê duyệt phương án. Cách làm này có thể rút ngắn từ 6 tháng đến một năm so với cách làm truyền thống trước đây".
Giới chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn hiện nay là tiến độ triển khai không đồng đều giữa các địa phương có chung dự án đi qua. Như Vành đai 3, trong khi các địa phương đều đã bàn giao mặt bằng từ 80% trở lên thì Đồng Nai có tỷ lệ bàn giao thấp, chỉ đạt khoảng 10% tại dự án thành phần 4, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ cho toàn dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!