Cơ chế "vốn mồi" trong đầu tư bán dẫn tại Mỹ
Cuộc đua dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn đang bước vào giai đoạn gấp gáp khi mọi quốc gia đều muốn trở thành mắt xích then chốt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết chính phủ các cường quốc bán dẫn đều đã chọn cách mở đường, dùng đầu tư công để thu hút và hướng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực quan trọng này trong 5 đến 10 năm tới.
Đạo luật CHIPS và Khoa học được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8/2022, cung cấp khoản trợ cấp trị giá gần 53 tỷ USD nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.
Chính phủ Mỹ xác định, khoản trợ cấp bằng tiền mặt này sẽ được phân bổ theo cơ chế chia sẻ rủi ro và hài hoà lợi ích. Theo đó, chính phủ sẽ cấp trực tiếp từ 5 -10% tổng kinh phí dự án; các khoản vay từ tiểu bang và bảo lãnh nhà nước nếu có bổ sung sẽ không vượt quá 35% kinh phí dự án. Phần lợi nhuận vượt dự tính sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ phải được đóng góp trở lại quỹ công.
Một điểm quan trọng khác là các dự án cần ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu xây dựng sản xuất trong nước. Văn phòng Chương trình Chip thuộc Bộ Thương mại Mỹ sẽ là cơ quan theo dõi và yêu cầu báo cáo thường xuyên về các dự án này.
Chính phủ Mỹ thúc đẩy đầu tư bán dẫn
Chip bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại..
Tính đến nay đã có 5 công ty nhận được hỗ trợ tài chính thông qua đạo luật CHIPS từ chính phủ Mỹ qua cơ chế "vốn mồi" này. Tính toán cho thấy, 1 đồng "vốn mồi" từ chính phủ có thể huy động hơn 10 đồng vốn đầu tư từ tư nhân.
Danh sách trên bao gồm 5 tập đoàn, công ty sản xuất chip cả trong và ngoài nước Mỹ đã được Bộ Thương mại nước này ký thoả thuận cấp tiền mặt trực tiếp cho các dự án xây dựng hoặc nâng cấp nhà máy bán dẫn phục vụ thị trường Mỹ.
Với tổng cộng hơn 16 tỷ USD "vốn mồi" từ chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân đã cam kết số tiền đầu tư gần 178 tỷ USD. Nổi bật nhất là dự án bán dẫn của tập đoàn Intel, đến nay đã nhận được cam kết đầu tư tư nhân cao nhất100 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Với hơn 100 tỷ USD từ Intel, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của khu vực tư nhân trong lịch sử của Ohio và Arizona. Dự án sẽ tạo ra gần 20.000 việc làm trong ngành xây dựng".
Chính phủ Mỹ kỳ vọng sẽ tận dụng khoảng 50 tỷ USD quỹ công để thu hút 500 tỷ USD từ nhà đầu tư tư nhân trong thời gian 5 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!