Đây là nội dung đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến trong dự thảo về rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý và việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất này. Cơ quan soạn thảo đánh giá, quy định này sẽ tạo điều kiện để hợp các thửa đất nhỏ thành thửa đất lớn hơn, góp phần từng bước cải thiện bộ mặt cảnh quan đô thị.
Theo thống kê từ Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có hơn 10.000 vị trí đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý. Tức là những phần đất không đủ điều kiện tách thửa độc lập, đang nằm rải rác trên địa bàn thành phố. Ví dụ như tại trung tâm thành phố quy định phần đất tối thiểu được tách thửa là 36m2 và đối với 5 huyện ngoại thành là 80m2.
Để giải quyết thực trạng này, theo Nghị định số 102 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, đã đưa ra phương hướng giải quyết. Cụ thể: Thứ nhất đối với các thửa đất nhỏ hẹp xen kẹt sẽ ưu tiên dùng cho mục đích công cộng như trồng cây xanh, điểm vui chơi giải trí…
Thứ hai là nếu phần đất công nằm sát cạnh nhà dân, sẽ được xử lý theo hướng hợp thửa với phần đất của người dân. Còn nếu như trường hợp diện tích đất xen kẹt nằm sát cạnh từ 2 - 3 hộ dân thì UBND cấp tỉnh sẽ quyết định hình thức giao đất.
Những phần đất công nhỏ hẹp, nằm xen kẹt trong các khu dân cư sắp tới đây sẽ được TP Hồ Chí Minh đưa ra hướng xử lý. Ảnh minh họa.
Hiệp hội bất động sản lý giải, dự thảo này không liên quan đến phần đất công nằm xen kẽ trong các dự án nhà ở thương mại. Nội dung này, đang được Sở Quy hoạch Kiến trúc trình dự thảo phương án tháo gỡ cho UBND TP Hồ Chí Minh và chờ thông qua. Hiện trên địa bàn thành phố có 126 dự án đang vướng các phần đất công xen kẽ.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho biết: "Trong các dự án đó thì có dự án đang thực hiện mà phải dừng hoặc có dự án đang triển khai, đã hoàn thành, thậm chí bàn giao cho người mua nhưng chưa hoàn thiện được các vấn đề pháp lý tiếp theo. Bởi vì vẫn vướng mắc các phần đất công bên trong về cơ bản chưa có hướng giải quyết".
Các chuyên gia kiến nghị thành phố cần đẩy nhanh công bố quy trình và hướng xử lý đối với các phần đất công nằm xen kẽ trong các dự án. Việc tháo gỡ pháp lý này không chỉ giải quyết các vấn đề cấp sổ hồng cho người dân, mà còn giúp cho các dự án tái khởi động trở lại, bổ sung nguồn cung nhà ở cho thành phố. Đồng thời, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị và tăng ngân sách cho nhà nước từ nguồn thu đất đai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!