"Cuộc đua” bán dẫn ở Đông Nam Á

VTV Digital-Thứ tư, ngày 18/09/2024 18:55 GMT+7

VTV.vn - Nhờ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động sản xuất và xuất khẩu bán dẫn của Đông Nam Á dự báo tăng trưởng khả quan trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo ngân hàng Maybank, ngành công nghiệp bán dẫn của ASEAN cũng đối mặt không ít thách thức, trong đó có cuộc chạy đua trợ cấp để mở các nhà máy sản xuất chip tại các nền kinh tế phát triển. Theo số liệu mới nhất, ASEAN chiếm khoảng 23% thị phần xuất khẩu bán dẫn toàn cầu.

Trong đó Singapore dẫn đầu khu vực, tập trung vào sản xuất chip nhớ, chưa sản xuất chip xử lý cao cấp. Malaysia ở vị trí tiếp theo, vượt trội ở khâu hạ nguồn gồm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip. Philippines, Việt Nam và Thái Lan nắm giữ thị phần còn lại.

Nếu xét về thu hút vốn FDI cam kết, Malaysia đang dẫn đầu ASEAN khi riêng trong quý I/2024, nước này đã thu hút 7,3 tỷ USD, cao gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Brian Lee Shun Rong - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Maybank cho biết: "Malaysia mới đây đã công bố riêng một chiến lược phát triển ngành bán dẫn quốc gia. Chiến lược mới này sẽ đào tạo 60.000 kỹ sư bán dẫn, từ khâu thiết kế, bao bì đến sản xuất từ nay đến 2030. Bên cạnh đó, Malaysia có chi phí lao động, chi phí sống thấp; lập trường trung và sở hữu một hệ sinh thái bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ lâu năm tại Penang. Đây đều là những điểm hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài".

"Đông Nam Á đã nhận được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao kỷ lục trong vài năm qua. Các công ty Trung Đông và Nhật Bản ngày càng xem Đông Nam Á là một điểm đến lý tưởng để triển khai vốn, trong bối cảnh các công ty này đang chuyển hướng một số khoản đầu tư tiềm năng khỏi các khu vực Bắc Á", ông Martin Siah - Giám đốc Bank of America Corp tại Singapore nhận định.

Cuộc đua” bán dẫn ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp bán dẫn của ASEAN cũng đối mặt không ít thách thức. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, ASEAN đang đối mặt với 3 trở ngại trong tham vọng bán dẫn. Thứ nhất là cuộc đua trợ cấp mở nhà máy sản xuất cũng như đóng gói chip của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản… Điều này có thể kìm hãm nguồn vốn FDI vào ASEAN do nguồn lực ưu đãi hạn hẹp của khu vực này.

Thứ hai là nỗ lực tự chủ bán dẫn của Trung Quốc đang làm giảm nhu cầu về chip nhập khẩu. Trong giai đoạn 2021 - 2023, nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 19%. Trong đó, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Philippines là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cuối cùng là nguy cơ Mỹ mở rộng các hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc và có thể tác động đến ASEAN.

"Hầu hết các công nghệ sử dụng trong ngành bán dẫn hiện nay ít nhiều đều liên quan đến bằng sáng chế của Mỹ. Do vậy, nếu nước này mở rộng lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn tới Trung Quốc từ một bên thứ ba sẽ tác động rất lớn đến ASEAN", ông Brian Lee Shun Rong - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Maybank đánh giá.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường SNS Insider, quy mô thị trường bán dẫn của ASEAN đã đạt quy mô hơn 31 tỷ USD trong năm ngoái và dự kiến sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, tăng lên 53 tỷ USD vào năm 2032.

Việt Nam - 'Ngôi sao đang lên' trên thị trường bán dẫn Việt Nam - "Ngôi sao đang lên" trên thị trường bán dẫn

VTV.vn - Bài viết nhận định đại dịch COVID-19 và các rào cản thương mại của Mỹ đã buộc các nhà sản xuất chất bán dẫn đa dạng hóa sản xuất và Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước