Tình trạng trả cổ tức thấp hay cổ tức bằng 0 chủ yếu xuất phát từ các ngân hàng nhỏ và vừa có tỷ lệ nợ xấu cao hay đang trong quá trình tái cơ cấu, sáp nhập. Tuy nhiên, dù các cổ đông không vui, các chuyên gia vẫn nhận định đây là động thái tất yếu.
Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng Sacombank chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khiêm tốn. Phản hồi trước bức xúc của cổ đông, lãnh đạo ngân hàng khẳng định, việc chia cổ tức không phải do ngân hàng muốn là được, mà còn phải trong sự xét duyệt của NHNN.
Ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch ngân hàng TMCP Sacombank nói: “NHNN siết rất chặt việc chia cổ tức trong những năm qua, năm nay còn chặt hơn. NHNN mong muốn đẩy mạnh hơn nữa năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”.
Trong công văn gửi các ngân hàng đầu mùa đại hội cổ đông, NHNN đã nêu rõ quan điểm: NHTM không trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hoặc không tích cực xử lý nợ xấu sẽ bị cắt giảm cổ tức. Thực tế một số ngân hàng đã bị NHNN điều chỉnh giảm từ 20-60% kế hoạch chia cổ tức của mình.
Theo ước tính sơ bộ, có khoảng 50% các NHTM không trả được cổ tức hoặc trả rất thấp, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ và vừa do phải trích lập dự phòng rủi ro lớn để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự sụt giảm cổ tức này là lành mạnh.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Phát triển kinh doanh cho biết: “Từ trước tới nay, chưa bao giờ hệ thống ngân hàng sử dụng nhiều dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu như bây giờ. Trước đây chúng ta cứ để lãi giả, lỗ thật, nợ xấu cứ chồng chất, cổ tức cứ chia đều, giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường chứng khoán tăng vùn vụt và để lại hậu quả như bây giờ”.
Chưa bao giờ, ngân hàng sử dụng nhiều dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu như vậy. Chưa mấy khi cổ tức tại các ngân hàng lại giảm mạnh đến thế. Tuy nhiên, đây được xem là một sự hy sinh tất yếu cho sự phát triển lành mạnh hơn của hệ thống ngân hàng những năm tiếp theo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.