Có thể mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 8

TTXVN-Thứ tư, ngày 15/07/2020 14:49 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, toàn bộ các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đều đã được đưa vào khai thác bình thường.

Trong đó, 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ và không thường lệ (chỉ vận chuyển khách từ Việt Nam đi, riêng hàng hóa vận chuyển 2 chiều).

Có thể mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 8 - Ảnh 1.

Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Từ tháng 6/2020, các hãng hàng không nước ngoài như Cathay Pacific (Hong Kong), Singapore Airlines (Singapore)... đã khai thác lại các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam theo hình thức thường lệ. Vietnam Airlines cũng đang duy trì lịch bay thường lệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bắt đầu từ tháng 7/2020, các hãng hàng không nước ngoài như Emirates Airlines (UAE), Qatar Airways (Qatar), China Airlines và Eva Airways (Đài Loan- Trung Quốc), Asiana Airlines và Korean Air (Hàn Quốc)... cũng khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ đi/đến Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay: "Tuy nhiên, toàn bộ các lịch bay thường lệ nêu trên đều đảm bảo chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách/hàng từ Việt Nam đi quốc tế. Các chuyến bay có chở khách đều trong đối tượng ưu tiên đưa vào Việt Nam (công dân hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...) và đều thực hiện cách ly theo quy định".

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong giai đoạn cao điểm về dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị "tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ".

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam - Trung Quốc thống nhất.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ những khó khăn khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế khi đưa khách vào Việt Nam.

Theo quy định hiện tại, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải đảm bảo cách ly tối thiểu 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa. Vì vậy, sẽ là lãng phí lớn về nguồn nhân lực khi khôi phục hoạt động quốc tế thường lệ mới ở mức hạn chế.

Từ ngày 29/6/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã đóng một đường hạ cất cánh tại cả 2 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài để triển khai các dự án cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn.

Năng lực khai thác tại mỗi cảng hàng không chỉ còn từ 60 - 70% so với khi khai thác đồng thời 2 đường hạ cất cánh. Trong giai đoạn thi công dự án, cả 2 cảng hàng không phải duy trì năng lực khai thác đảm bảo hoạt động của các chuyến bay nội địa và số lượng hạn chế các hoạt động quốc tế.

Như vậy, nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại 2 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ của Việt Nam, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ (chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa).

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải hiện chưa có Bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam trong khi Bộ hướng dẫn này là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Cụ thể, việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) cần được sự cấp phép và phối hợp của nhà chức trách hàng không của các nước đối tác. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay.

Có thể mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 8 - Ảnh 2.

Việt Nam dự kiến mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu tháng 8. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, để có thể mở được đường bay tới Quảng Châu (Trung Quốc), Bộ Giao thông Vận tải thấy rằng cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao.

Về vấn đề tổ chức chuyến bay, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các nước trên thế giới vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nhất định, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế là 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Như vậy, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay đưa công dân về nước, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000 - 1.500 khách).

Sau khi thống nhất phương án, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên. Dự kiến sớm nhất đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Khách được chấp nhận trên các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in). Toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch.

Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) - Tp. Hồ Chí Minh; Viêng Chăn - Quảng Ninh; Phnom Penh - Cần Thơ, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến. Việc này nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế đưa công dân về nước do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Chuyến bay đặc biệt thứ hai đưa gần 300 công dân Việt Nam từ Nga về nước Chuyến bay đặc biệt thứ hai đưa gần 300 công dân Việt Nam từ Nga về nước

VTV.vn - Chuyến bay mang số hiệu VN5062 của Hãng hàng không Việt Nam (VNA) đưa hơn 280 công dân Việt Nam đã cất cánh rời sân bay Sherementyevo ở Moskva, Liên bang Nga trở về nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước