Chốt phiên chiều 8/3, giá vàng miếng đột ngột giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với ngày 7/3, xuống 72 triệu đồng. Do giá trong nước và thế giới ngược chiều nên chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng cũng được thu hẹp. Mỗi lượng vàng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá thế giới 16,7 triệu đồng.
Đến cuối giờ chiều 8/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết giá bán ra cao nhất 72 triệu đồng/lượng và mua vào giá 70,2 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của các cửa hàng vàng ở thành phố Hà Nội, lượng khách giao dịch trong chiều 8/3 tăng đột biến, chủ yếu các nhà đầu tư tranh thủ lúc giá vàng "hạ nhiệt" bán ra chốt lời. Lời đâu chưa thấy, nhưng trong khi đang đứng xếp hàng chờ đến lượt mình, giá vàng cũng đã kịp tụt tới hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.
Khách đến xem và mua vàng tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: TTXVN)
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên nghiên cứu kỹ trước khi ra quyết định, tránh việc mình ra quyết định theo cảm xúc hay theo đám đông, có thể dẫn đến thua lỗ hay rủi ro. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên đi vay tiền để mua vàng trong thời điểm có nhiều rủi ro như thế này", ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải, nói.
Theo nhiều chuyên gia, tốc độ giảm giá mua vàng miếng nhanh hơn so với bán ra. Chính vì giá mua giảm nhanh hơn giá bán đã khiến khoảng cách chênh lệch giữa 2 mức giá này đẩy lên hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.
"Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc để từ đó bình ổn thị trường vàng, để khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng ở Việt Nam gần nhau hơn", ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nêu ý kiến.
"Người dân vẫn coi vàng là một kênh trú ẩn để đầu tư trong thời điểm có nhiều rủi ro. Khi chiến sự bình ổn hơn, rõ ràng giá vàng cũng sẽ giảm mạnh theo tình hình", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!