Trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng khiến nhiều dự án phải tạm dừng không xác định thời hạn, các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) được ví như cách “tự chữa trị” của thị trường. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính phức tạp, mất thời gian trong việc chuyển nhượng đang làm nản lòng các nhà đầu tư.
Ông Lê Đình Vinh - Giám đốc một doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, cũng như nhiều DN khác, công ty của ông đang quan tâm đến việc tìm kiếm những dự án tốt có nhu cầu chuyển nhượng để mua lại. Nếu mua lại những dự án đã có giấy phép xây dựng không có khả năng triển khai tiếp, DN sẽ tận dụng được cơ hội thị trường, không bị mất cơ hội và giảm thiểu chi phí xin cấp phép dự án.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục để chuyển nhượng dự án theo quy định hiện hành không hề đơn giản. Ví như chủ đầu tư A của một dự án xây dựng khu phức hợp thương mại, căn hộ, văn phòng lớn tại quận 7, TP.HCM muốn tách một hạng mục trong dự án để chuyển nhượng cho nhà đầu tư, đây không phải là thủ tục khó khăn và theo quy định mất không quá 16 ngày, nhưng nhà đầu tư A đã phải mất hơn 7 tháng để hoàn tất và nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, DN phải mất thêm 5 tháng nữa để hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng.
Chưa kể, nhà đầu tư B đã chi 80 triệu USD trong một tài khoản ký quỹ, trong khi việc cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được giải quyết. Như vậy, 80 triệu USD đã bị “chôn” trong gần 12 tháng.
Ông Phạm Đức Giang - Giám đốc Công ty Luật TNHH DGI cho rằng: “Quy định hiện còn nhiều bất cập và không thực tế. Điều kiện chuyển nhượng cũng khó khăn như phải có giấy chứng nhận đầu tư, phải giải phóng mặt bằng xong. Thủ tục rất phức tạp, nhiêu khê, nhất là ở các thành phố lớn”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 2.800 dự án, với diện tích lên đến 68.000 ha tạm dừng do chủ đầu tư không huy động được vốn để triển khai tiếp. Trong Dự thảo Luật kinh doanh BĐS sửa đổi đang được bàn thảo thời gian gần đây, nhiều ý kiến đề xuất về việc nới lỏng hoạt động chuyển nhượng dự án với hy vọng những dự án đang khó khăn có thể tìm được chủ đầu tư mới.
Ông Trần Ngọc Quang - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Với hoạt động được coi là tất yếu rồi thì có dùng biện pháp nào ngăn cản chăng nữa, các chủ đầu tư vẫn tìm cách để lách như hợp tác kinh doanh, vốn ứng trước”.
Theo Luật sư Trần Quang Huy - Công ty Luật Bross & Partners, hoạt động mua bán, sáp nhật thể hiện sự tất yếu sàng lọc của thị trường, đó là điều tốt cho nền kinh tế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng năm 2014, lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, với số vốn tăng thêm 1,2 tỷ USD. Đáng chú ý, theo số liệu của Công ty Savills Việt Nam, vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS chiếm 10% chủ yếu thông qua hoạt động mua bán, chuyển nhượng M&A.
Các chuyên gia đánh giá, nếu được nới lỏng, hoạt động chuyển nhượng dự án BĐS từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn sang các nhà đầu tư mới sẽ còn tăng đáng kể và thu hút được các nhà đầu tư ngoại tham gia.