Ngày 2/6, nhà đầu tư đã được giao dịch chứng khoán trong điều kiện bình thường mới. Nhà đầu tư vừa giao dịch chứng khoán, vừa được ngắm nhìn ruộng bậc thang, một vẻ đẹp nổi tiếng của vùng cao của Việt Nam.
Trong phiên sáng 2/6, hình ảnh của chỉ số VN-Index mà nhà đầu tư có thể nhìn thấy được là những lần giật cục hiển thị như từng bậc của thửa ruộng bậc thang.
Một số nhà đầu tư phản ánh, buổi sáng đặt lệnh trong phiên khớp liên tục, nhưng mất vài phút lệnh mới được nhận để vào sàn, vài phút sau lệnh mới trả kết quả và báo khớp dù giá mua cao hơn nhìn thấy trên bảng điện tử.
Nhà đầu tư chia sẻ, điều này gợi cho nhà đầu tư nhớ lại cảm giác là những phiên khớp lệnh định kỳ của HOSE của những năm 2006 - 2007. Dù thời giao dịch cả cả buổi sáng, nhưng chỉ có 3 lần khớp lệnh.
Tuy nhiên đến phiên chiều, tình trạng có dễ chịu hơn và gần như không có tình trạng nghẽn lệnh trên diện rộng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đạt hơn 32.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Người đưa tin)
Tình trạng nghẽn lệnh quay trở lại sau gần 2 tháng trơn tru do thanh khoản của thị trường Việt Nam tăng lên quá nhanh. Theo ghi nhận, trung bình giao dịch một phiên trong tháng 4 vừa qua của thị trường Việt Nam là 991 triệu USD, khoảng 23.000 tỷ đồng. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực, vượt qua Indonesia, Malaysia hay Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan.
Đáng chú ý, tốc độ thay đổi so với năm 2020, trong khi các quốc gia như Thái Lan thanh khoản trung bình 1 ngày chỉ tăng 30%, thậm chí Indonesia, Singapore còn giảm đến 9%, hay Malaysia giảm 21%, thì Việt Nam tăng 207%.
Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng
Ngày 2/6, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 phiên giao dịch gần đây, khối này đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng.
Những phiên mua ròng của khối ngoại le lói quay trở lại những ngày cuối tháng 5, nhưng không đủ mạnh và không kéo dài.
Khối này đã bán ròng tổng cộng 2,49 tỷ chứng khoán, với giá trị bán ròng 11.763 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong tháng 5, chiếm tới gần 43% tổng giá trị bán ròng kể từ đầu năm.
"Phần phục hồi của mình là có, tuy nhiên so với phục hồi của các nước khác thì mình dễ bị tổn thương hơn do chưa có vaccine để phòng COVID-19. Vì vậy, họ cho rằng đó là rủi ro họ phải để ý. Khi có rủi ro trong hoạt động, họ muốn phải bán được ngay. Tuy nhiên hệ thống của mình cũng xảy ra tình trạng dễ bị tắc như vậy, nên họ chọn giảm bớt danh mục", ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Maybank KimEng, cho biết.
Với các ETF, lực bán mạnh tập trung ở các ETF ngoại như: FTSE Vietnam, Kim Kindex Vietnam và VFM VN30, lượng rút ròng tổng cộng khoảng 750 tỷ đồng trong tháng 5.
Trong khi tiền lại có xu hướng chảy mạnh vào VnDiamond, SSIAM VNFin Lead và Mirae Asset VN30.
5 tháng đầu năm ghi nhận giá trị kỷ lục từ các ETF vào thị trường Việt Nam với hơn 12.400 tỷ đồng, một phần không nhỏ nhờ quỹ Fubon với khoản giải ngân 7.800 tỷ giai đoạn gần đây.
Với những thông tin mới về nút thắt giao dịch trên HOSE có thể được gỡ trong tháng 7, dòng tiền ngoại được kỳ vọng có thể sẽ sớm quay trở lại.
Dòng tiền nội, trụ đỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam
Khối ngoại bán ròng là áp lực không nhỏ lên chỉ số, vì không ít nhà đầu tư nhìn khối ngoại để giao dịch, mua bán theo vì theo họ, đó là những nhà đầu tư có phần chuyên nghiệp.
Khác với thời kỳ trước, hiện giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng từ 5 - 7% tổng giao dịch, vì vậy tác động là không nhiều. Bởi hiện nay, dòng tiền nội mới thực sự chi phối thị trường. Riêng ngày 2/6, nhà đầu tư cá nhân và công ty chứng khoán đã mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, riêng nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng hơn 35.000 tỷ đồng. Vậy dòng tiền này đến từ đâu vậy?
Lợi nhuận cao, thanh khoản nhanh và thủ tục đơn giản, những lợi thế này khiến người dân nhanh chóng muốn tham gia vào thị trường chứng khoán. Minh chứng là, sau 5 tháng đầu năm, Việt Nam có thêm 482.760 tài khoản mở mới, vượt số tài khoản mở mới của cả năm 2020 và gấp 2,5 lần số tài khoản mở mới trong cả năm 2019. Tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán hết quý I khoảng hơn 43.000 tỷ đồng.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức cũng tích cực tham gia vào thị trường chứng khoán. Nếu bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán có giá trị danh mục lên đến hơn 58.000 tỷ đồng thì các tổ chức trong nước khác cũng giao dịch hàng nghìn tỷ đồng trong 5 tháng qua.
Thanh khoản mỗi ngày của Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Lãi suất gửi ngân hàng thấp chỉ khoảng 6%/năm. Điều này dẫn đến dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán năm 2020 đạt hơn 45.000 tỷ đồng và xu hướng này vẫn tiếp tục trong 5 tháng đầu năm.
Việc cho vay nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ dưới 5% vốn điều lệ và được trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao hơn.
Các công ty chứng khoán cũng cho nhà đầu tư vay (margin hay đòn bẩy tài chính). Nhà đầu tư có 100 triệu đồng có thể được vay để giao dịch 300 triệu tùy từng mã cổ phiếu. Với lãi suất vay ngày càng giảm theo thời gian, hiện trung bình còn khoảng 10%/năm.
Chính điều này khiến dư nợ margin tại các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh từ mức 109.000 tỷ đồng cuối quý I lên khoảng hơn 115.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Đó là nguyên nhân gần đây, hàng loạt các công ty chứng khoán đã tích cực tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng, hay thậm chí là phát hàng riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Thanh khoản đã tăng 200% là một điều không thể ngờ. Có thể thấy, từ mức đáp ứng 14.000 tỷ/phiên hồi quý I, HOSE đã nghẽn, thì nay 23.000 tỷ HOSE mới nghẽn, tức dung lượng đã tăng thêm khoảng 7.000 tỷ, đây là giá trị giao dịch của cả một ngày của giai đoạn 2015 - 2019.
Dòng tiền có thể sẽ vào Việt Nam nhiều hơn khi hàng loạt tổ chức quốc tế như HSBC, CNBC đều nhận định tích cực về tăng trưởng của Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm của VIệt Nam được nâng lên triển vọng tích cực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phải quyết liệt, dùng biện pháp mạnh khắc phục nghẽn lệnh sàn HOSE
Để tình trạng nghẽn lệnh không trở thành nút thắt của dòng vốn chảy vào thị trường, ngay trong sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ.
Với việc mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tương đương 101% GDP, tăng gần 21% chỉ trong 5 tháng đầu năm, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh".
Hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn, với nhà đầu tư đơn giản chỉ là đặt được lệnh, thấy được giá khớp, không bị cảm giác bịt mắt khi giao dịch. Hiện nay, hệ thống giao dịch mà FPT phối hợp với HOSE đang được thử nghiệm trên diện rộng với 73 công ty và Trung tâm lưu ký chứng khoán để sẵn sàng phục vụ thị trường từ tháng 7 này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!