Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ khiến một số nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 382,59 điểm, mất 1,25% giá trị, xuống 30.223,89 điểm.
Trong khi các chỉ số Nasdaq và S&P 500 giảm gần 1,5%. Chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 55,42 điểm, tương đương 1,48%, xuống 3.700,65 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 189,84 điểm, tương đương 1,47% xuống 12.698,45 điểm.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý lo ngại của giới đầu tư. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới, với hơn 21.000.000 ca nhiễm và 360.088 ca tử vong.
Nhóm cổ phiếu các hãng công nghệ lớn - động lực quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2020 dẫn đầu đà giảm của thị trường trong phiên đầu năm mới khi mất trên dưới 2% giá trị.
Người đi bộ đi ngang qua Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ở New York, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)
Ngoài ra, các nhà giao dịch cho biết sau khi chạm các mức cao kỷ lục, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều giảm, khi giá cổ phiếu của Boeing giảm hơn 4% do Bernstein hạ bậc xếp hạng của hãng này xuống mức "kém hiệu quả", với lý do quan ngại về dòng tiền.
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã ghi nhận mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 10, trong khi chỉ số Nasdaq có mức giảm lớn nhất kể từ ngày 9/12.
Chiến lược gia đầu tư Lindsey Bell tại Ally Invest, ở Charlotte, North Carolina, cho rằng các nhà đầu tư đang ở thời điểm muốn "xả hơi" trong khi đánh giá lại các vấn đề sắp tới trong năm mới.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng khiến một số nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức cao, trong khi lệnh hạn chế vào tháng trước và sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 “phủ bóng” lên triển vọng tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!