Quan điểm của Chính phủ trong triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng là để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn của đồng Việt Nam.
Gói tín dụng này cùng với các gói tín dụng khác sẽ hỗ trợ thực hiện được mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2% vẫn được cho là chưa thực sự hấp dẫn.
Sau 2 tháng Bộ Xây dựng ủy quyền cho các địa phương phê duyệt và công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện mới chỉ có khoảng 100 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân.
Mới có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội được cấp phép đầu tư thuộc gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Những rào cản với nhà ở xã hội
Hiện gói tín dung ưu đãi vẫn nằm yên tại các ngân hàng. Nhiều địa phương thì chưa thể công bố công khai danh mục dự án được hưởng ưu đãi do đang tiếp tục rà soát. Trong số 100 dự án các địa phương đã rà soát và gửi lên Bộ Xây dựng xin ý kiến có nhiều dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí, tính pháp lý….
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tới thời điểm này vẫn chưa thể giải ngân. Lý do duy nhất đó là chưa có dự án để cho vay. Bởi hiện tại, nhiều tỉnh thành vẫn trong quá trình rà soát, bổ sung thủ tục cho các dự án.
Số ít địa phương đã công bố công khai danh sách thì Bắc Giang là tỉnh bị trả lại hồ sơ đầu tiên, vì nhiều dự án thiếu hồ sơ thủ tục pháp lý như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, thiếu giấy phép xây dựng...
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Để đảm bảo sự thành công của chính sách đó là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương phải quan tâm vào việc trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, các điều kiện để xác nhận đối tượng thụ hưởng".
Chưa có nhiều dự án nhà ở xã hội được ưu đãi. Ảnh minh họa.
Cả nước có 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị. Trong các dự án này chỉ có 1.040 dự án được dành 20% quỹ đất cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương chủ yếu dành quỹ đất cho các dự án có lợi nhuận cao.
Chưa bao giờ phải thực hiện rà soát xác định đối tượng thụ hưởng gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, nên không tránh khỏi những lo ngại về trách nhiệm xác minh, tính minh bạch, cũng như làm sao để gói vay đúng và trúng đối tượng.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Chính quyền địa phương có thể là một cơ quan đưa ra một danh mục các dự án có thể được hưởng chế độ này mà không tránh tình trạng là không bị trục lợi. Trách nhiệm khi cho vay vào các dự án đó khi rủi ro xảy ra thì ai sẽ là người gánh chịu trách nhiệm? Chính quyền địa phương là người chỉ dự án, hay là cơ quan tín dụng là người cấp vốn? Rõ ràng đấy cũng là điều vướng mắc".
"Bây giờ tỷ lệ bố trí đất ở cho nhà ở xã hội hay là thực hiện dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc, đơn cử là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng. Ưu đãi việc cấp đất, quy hoạch bố trí đất của chính quyền, của địa phương chiếm rất là ít, tỷ lệ chỉ 12-13% so với các dự án nhà ở nói chung", bà Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Phải mất 2 - 3 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho tới khi cầm được quyết định cấp phép xây dựng; số lượng thủ tục, giấy tờ nhiều gấp đôi nhà ở thương mại; quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận… là những yếu tố khiến chẳng có mấy chủ đầu tư mặn mà với việc xây nhà ở xã hội.
Đơn giản hoá, rút gọn các thủ tục pháp lý, xem xét điều chỉnh mức lãi suất của gói vay ưu đãi và quan trọng hơn cả đó là chính quyền các địa phương cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng… Đó là các giải pháp phá rỡ rào cản cho nhà ở xã hội lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!