Chủ động tuân thủ pháp luật hải quan, doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 12/10/2024 06:14 GMT+7

VTV.vn-Theo các chuyên gia, chủ động trong việc tuân thủ pháp luật hải quan mang lợi ích lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngược lại, nếu bị động sẽ lãng phí nhiều nguồn lực.

Mang lại nhiều lợi ích thiết thực

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho hay, cơ quan Hải quan đánh giá doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 5 mức tuân thủ, mức cao nhất doanh nghiệp ưu tiên (mức 1) và thấp nhất là doanh nghiệp không tuân thủ (mức 5).

Cơ quan Hải quan công bố công khai mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan. Do vậy, khi doanh nghiệp truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan bằng mã số thuế có thể tra cứu mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và biết được nguyên nhân dẫn đến mức tuân thủ đó.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong số 295 doanh nghiệp tham gia, có trên 80% doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Trong đó, có 118 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3).

Đáng chú ý, đại diện Cục Quản lý rủi ro khẳng định, chủ động trong việc tuân thủ pháp luật hải quan sẽ mang lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Những doanh nghiệp có mức độ tuân thủ thấp được nâng mức độ tuân thủ sẽ có tỉ lệ kiểm tra thấp hơn, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa nhanh hơn. 

"Những doanh nghiệp giữ vững được mức độ tuân thủ, tuân thủ tốt sẽ được cơ quan Hải quan ghi nhận phải đáp ứng ở các tiêu chí như tờ khai, kim ngạch càng lớn, tương tự như đối với doanh nghiệp ưu tiên cũng phải đáp ứng các tiêu chí về tờ khai, kim ngạch. Ngược lại, bị động tuân thủ pháp luật hải quan, doanh nghiệp sẽ bị lãng phí rất nhiều nguồn lực", đại diện Cục Quản lý rủi ro nhấn mạnh thêm.

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía ngày 9/10, đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên tham gia Chương trình thí điểm, ông Dương Quốc Phi - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 cho biết, doanh nghiệp ngày càng chủ động trong các hoạt động tuân thủ pháp luật hải quan, thay vì bị động như trước đây. Thông qua đó, doanh nghiệp đã nhận được nhiều lợi ích về thời gian, chi phí.

"Chúng tôi hiểu rõ, nếu doanh nghiệp có tỉ lệ tờ khai luồng xanh nhiều hơn thì hàng hóa được giải phóng nhanh. Đối với tờ khai luồng vàng, doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ hải quan, doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn để giải phóng hàng hóa… Do đó, công ty đã tự nâng cao kiến thức về quy định pháp luật hải quan và luôn chủ động tuân thủ trong các hoạt động xuất nhập khẩu", ông Phi nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Phi, trên thực tế, vi phạm mà các doanh nghiệp Việt hay mắc phải chủ yếu liên quan đến chính sách mặt hàng và áp mã HS do doanh nghiệp không nắm rõ chính sách, khai báo hải quan chưa rõ ràng. Doanh nghiệp cần chú trọng khắc phục hơn đến những hạn chế này.

Quy định cần minh bạch hơn, thống nhất hơn

Bàn về câu chuyện nêu trên, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một trong những giải pháp của doanh nghiệp là tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất. 

"Để hoạt động hiệu quả, chắt chiu nguồn lực để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp nên tiết giảm chi phí các khâu khác, Trong đo, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật, chuẩn bị sẵn sàng hướng tới tuân thủ tốt pháp luật Hải quan. Thông qua đó để giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hồ sơ, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm rủi ro...Không chỉ vậy, trên nền tảng đó, hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp được nâng cao, thuận lợi hơn về mở rộng đối tác, thị trường....", bà Thảo phân tích.

Chủ động tuân thủ pháp luật hải quan, doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 1.

Cơ quan Hải quan cần tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành trong quá trình sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách mặt hàng.

Để doanh nghiệp tuân thủ chủ động - hiệu quả, bà Thảo cho rằng, quy định của pháp luật hải quan phải minh bạch hơn, hiểu thống nhất hơn. Đây là yếu tố quan trọng với cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Song song với đó, ngành Hải quan cần đẩy mạnh công tác về truyền thông, hướng dẫn về quy định, pháp luật để các doanh nghiệp nắm được thông tin, khi đó năng lực thực hiện chính sách của các doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Được biết, hiện Tổng cục Hải quan đã dự thảo quyết định triển khai chính thức Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để xin ý kiến các cục hải quan tỉnh, thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…Dự kiến có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia triển khai Chương trình chính thức phải đáp ứng các tiêu chí đảm bảo các doanh nghiệp khi tham gia cũng nhận được những lợi ích.

Chia sẻ về ý kiến đóng góp cho Chương trình, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho rằng, trước tiên cơ quan Hải quan cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể với lộ trình cụ thể theo từng năm, mốc thời gian cụ thể.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cần chú trọng thiết lập nền tảng để tương tác chung, cảnh báo chung và nêu ra những vấn đề giải đáp về lĩnh vực hải quan. Đây là công cụ không chỉ hỗ trợ cho Chương trình này mà hỗ trợ cho công việc quản lý của cơ quan Hải quan và cả doanh nghiệp về sau. 

Còn dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Dương Quốc Phi đề xuất, cơ quan Hải quan cần tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành trong quá trình sửa đổi các quy định liên quan đến chính sách mặt hàng. Đặc biệt, theo ông Phi, ngành Hải quan cần tích cực chủ trì, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hàng năm cho doanh nghiệp liên quan đến việc áp mã HS.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước