Chốt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 30/11/2024 15:34 GMT+7

VTV.vn - Tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, sẽ bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm).

Chiều 30/11, với 454/443 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,48%) Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đầu tư 67,34 tỷ USD thực hiện dự án

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2035 với nguồn vốn ngân sách Nhà nước được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án).

Chốt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, sẽ bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Trong chủ trương vừa được thông qua, Quốc hội cho phép dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Trước khi được biểu quyết, báo cáo, giải trình làm rõ, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Việc đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.

Chốt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD - Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Có ý kiến đề nghị tính toán, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố và rủi ro để có giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Thống nhất với đa số ý kiến các vị đại biểu về sự cần thiết đầu tư dự án, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định thực tế dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trong đó, đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư dự án. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai dự án.

Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ. Do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi dự án, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho dự án.

Bố trí vốn qua 3 kỳ trung hạn

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá đầy đủ hơn về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn của dự án để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng về tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn.

Có ý kiến cho rằng dự án trải qua 3 kỳ trung hạn, vì vậy tổng mức đầu tư được duyệt giai đoạn nào thì chỉ tính trong giai đoạn đó, phần vốn được thực hiện giai đoạn nào thì tính vốn vào kỳ trung hạn đó và không nên chuyển từ kỳ trung hạn trước qua kỳ trung hạn sau.

Chốt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề về Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn để thực hiện dự án.

Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỉ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải.

Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỉ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỉ đồng.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, hiện nay đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước. Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định. 

Do đó, tại dự thảo Nghị quyết đã quy định Dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước