Chính phủ nêu 5 định hướng để doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thùy Linh-Thứ bảy, ngày 13/07/2024 11:18 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ xác định doanh nghiệp nhà nước làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển KT-XH.

Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thông báo nêu rõ Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, đặc biệt chú trọng việc phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước - khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Một số kết quả đạt được nổi bật của doanh nghiệp nhà nước trong 5 tháng đầu năm nay: Doanh nghiệp nhà nước đã bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ năm 2023).

Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin…

Khu vực doanh nghiệp nhà nước từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, thương hiệu trong nước và thế giới. Một số doanh nghiệp nhà nước lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã báo cáo làm chủ một số công nghệ 5G và các thiết bị trong hệ sinh thái 5G.

Chính phủ nêu 5 định hướng để doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Chính phủ xác định doanh nghiệp nhà nước làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển KT-XH. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Bên cạnh các kết quả đạt, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào luôn biến động, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác; năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại...

5 định hướng hoạt động

Năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hết sức quan trọng, tiền đề để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không còn nhiều, do đó chúng ta phải phát huy những điểm mạnh, thành tựu đã đạt được trong hơn 3 năm qua, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập do chủ quan và khách quan. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số định hướng hoạt động.

Một là, luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bênh cạnh việc tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).

Hai là, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.

Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.

Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện ba đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

Doanh nghiệp nhà nước làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tốt 5 tiên phong

Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tốt 5 tiên phong: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước