Chỉ số PMI giảm do ảnh hưởng của bão số 3

PV-Thứ tư, ngày 02/10/2024 11:31 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Theo báo cáo của tổ chức tài chính S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm do ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3.

Cụ thể, PMI tháng 9 vừa qua chỉ còn 47,3 điểm. Báo cáo ghi nhận, mưa lớn và lũ lụt khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đóng cửa. Các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Sản lượng, đơn đặt hàng mới cũng giảm đáng kể. Tồn kho hàng hóa đầu vào giảm với mức gần kỷ lục.

Mặc dù vậy, theo nhận định của S&P Global, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng năm tới do nhu cầu hàng hóa vẫn ở mức cao và ngành sản xuất sẽ bước vào chu kỳ hồi phục sau bão.

Chỉ số PMI giảm do ảnh hưởng của bão số 3 - Ảnh 1.

Cơn bão đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất

Báo cáo của S&P Global cũng cho biết, sự gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra dự kiến chỉ là tạm thời. Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Trên thực tế, tâm lý kinh doanh đã tăng lên mức cao của 3 tháng khi các công ty tin tưởng rằng nhu cầu sẽ mạnh lên.

Kỳ vọng tích cực và tình trạng tăng đáng kể của đơn đặt hàng mới trong những tháng trước đã khiến các nhà sản xuất tăng nhẹ số lượng nhân sự trong tháng 9 sau khi giảm trong tháng trước. Việc làm đã tăng suốt ba trong bốn tháng qua.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng và chi phí vận chuyển tăng, tỷ lệ lạm phát đã giảm và chỉ còn ở mức tương đối khiêm tốn. Tình trạng tương tự được ghi nhận với giá bán hàng. Một số công ty tăng giá để đối phó với chi phí đầu vào cao hơn, nhưng những công ty khác đã tận dụng mức tăng yếu của chi phí để giảm giá cho khách hàng.

Bình luận về chỉ số PMI tháng 9/2024 của Việt Nam, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, mức độ nghiêm trọng của cơn bão Yagi đã tác động lớn đến ngành sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt gây ra việc đóng cửa kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ của cả chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Cơn bão đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất.

Tuy nhiên "tình hình nhu cầu sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng và điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu. Do đó, các công ty vẫn lạc quan về triển vọng năm tới và đã tăng việc làm ngay cả khi khối lượng công việc giảm", ông Andrew Harker nhận định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước