Vài năm gần đây, hầu như năm nào các bộ, ngành và địa phương cũng đều không đạt được kế hoạch cổ phần hóa như đã đề ra. Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua lại là năm công tác cổ phần hóa gần như không có chuyển động nào đáng kể, không đạt kế hoạch cả về tiêu chí số lượng cũng như chất lượng, nên có nguy cơ để lại nhiều hệ lụy trong tiến trình đổi mới quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cách thức thực hiện công tác này trong năm nay, đặc biệt là các tiêu chí xác định doanh nghiệp nào phải thực hiện cổ phần hóa.
Đìu hiu, suốt thời gian dài vắng khách và không có thay đổi lớn trong hoạt động, vườn thú Hà Nội một thời vang bóng, giờ đang mai một dần.
Công ty TNHH Một thành viên Vườn Thú Hà Nội đã nằm trong danh sách cổ phần hóa nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn án binh bất động. Kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2021 của công ty này không thể hoàn thành, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất.
Hà Nội có 13 doanh nghiệp, trong khi TP Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa năm 2021. Tuy nhiên hết năm, tất cả đều không hoàn thành.
Hà Nội có 13 doanh nghiệp, trong khi TP Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp nằm trong danh sách 89 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Trong việc định giá doanh nghiệp còn nhiều điểm gây tranh cãi, nhất là đối với giá đất, hay giá trị thương hiệu. Các lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước có thể họ chịu trách nhiệm nếu như bán vốn nhà nước với giá không cao, một phần khác họ sợ mất đi một số lợi ích khi họ vẫn đang làm chủ doanh nghiệp", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho biết.
Không chỉ vậy, nhìn vào mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, sau 2 năm dịch bệnh, cần xác định lại định hướng cổ phần hóa cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
"Tại sao chúng ta cổ phần hóa bệnh viện mà không cho thành lập bệnh viện tư? Và chúng ta nên đổi mới phương thức bệnh viện mà nhà nước đầu tư vốn, hoạt động tốt hơn lên", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho ý kiến.
Bộ Tài chính đề nghị cần rà soát lại các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa nếu các khâu chuẩn bị cơ bản hoàn tất mới đăng ký vào danh sách triển khai, trường hợp doanh nghiệp còn nhiều tồn tại tài chính, đất đai chưa sắp xếp thì có thể kéo dài trong cả giai đoạn 2021 - 2025 chứ không phải làm bằng mọi giá chỉ trong 1 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!