Ngày 15/11, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế lần thứ 4 với chủ đề "Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện".
Một vấn đề được quan tâm đối với Việt Nam, đó là xử lý nợ xấu. Nguyên nhân bởi, tại Việt Nam, cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng chiếm tới hơn 60% tổng cung ứng vốn thị trường tài chính cho nền kinh tế. Nhiều bài học kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế đã được chia sẻ tại hội thảo.
Luật chứng khoán hóa được bảo đảm bằng tài sản hay ABS. Đây là phương thức xử lý nợ xấu bằng cách cho phép các ngân hàng dồn các khoản nợ xấu nhỏ lại và bán 1 thành 1 khối, biến các tài sản kém thanh khoản thành những chứng khoán thanh khoản cao.
Tại Trung Quốc, cơ chế này đã tồn tại được 6 năm, còn tại Hàn Quốc, đã được 20 năm.
Đại diện từ DATC cho rằng cần khuyến khích hơn nữa những cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu, đơn cử những trường hợp nợ xấu mang tính chất Nhà nước thường vẫn có cơ chế xử lý cứng hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các hệ thống độc lập xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và cả các khoản nợ để nâng cao yếu tố thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần sớm hoàn thiện tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế BASEL II về quản trị rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!