Cân đối xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/07/2023 20:54 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang chủ động các giải pháp cân đối xuất khẩu và dự trữ trong bối cảnh biến động chuỗi lương thực toàn cầu.

Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu

Tuần qua cả thế giới chung một mối lo đó là đảm bảo an ninh lương thực do sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc xuất khẩu nông sản, những tác động Elnino đến sản lượng lương thực.

Câu chuyện bắt đầu nóng lên khi Ấn Độ dừng xuất khẩu một số loại gạo thường. Sau đó đến Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đã đẩy giá lương thực thế giới bắt đầu tăng lên. An ninh lương thực toàn cầu càng thêm bấp bênh và có nguy cơ đẩy nhiều người vào cảnh chết đói.

Thỏa thuận sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vốn được coi là phao cứu sinh đối với an ninh lương thực toàn cầu bị đổ vỡ đã gây ra một đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới. Giá một số loại lương thực chủ chốt với người dân toàn cầu đã bật tăng trở lại.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: "Nga và Ukraine đều rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Hai nước này chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu, 1/5 tổng lượng ngô và hơn một nửa tổng lượng dầu hướng dương. Với việc chấm dứt Sáng kiến ​​Biển Đen sẽ khiến những người dễ bị tổn thương nhất phải trả giá đắt nhất bởi giá lương thực tăng lên".

Cân đối xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực - Ảnh 1.

Tuần qua cả thế giới chung một mối lo đó là đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images.

Thị trường lương thực thế giới tiếp tục chịu thêm cú sốc mới khi Ấn Độ - quốc gia chiếm tới 2/5 thị phần gạo toàn cầu, quyết định cấm xuất khẩu các loại gạo trắng nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hôm 29/7 cũng có động thái tương tự.

Ông Alvaro Lario - Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế nhận định: "Ngay bây giờ chúng ta đang chứng kiến giá gạo tăng 10 - 12%. Vì vậy, nếu giá gạo tiếp tục tăng, chúng ta chắc chắn có thể đối mặt với một khủng hoảng lương thực".

Bên cạnh đó, hàng chục quốc gia khác cũng đang áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu các loại lương thực, thực phẩm khác nhằm đề phòng nguy cơ thiếu hụt. Giới phân tích lo ngại các hạn chế xuất khẩu đang có nguy cơ làm trầm trọng hơn đà tăng giá lương thực toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino với điển hình là nhiệt độ tăng cao và hạn hán còn khiến giảm sản lượng hoặc gây mất mùa với các loại lương thực như gạo, lúa mì, ngô hay các loại cây trồng khác.

Ông Syahrul Yasin Limpo - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết: "Hiện tượng El Nino đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sản xuất lương thực, vật nuôi và lĩnh vực đánh bắt thủy sản".

Giới phân tích lo ngại những thách thức liên tiếp ập đến khiến hệ thống lương thực toàn cầu đang ở trong trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết, kéo theo những hậu quả khôn lường đối với cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực.

Theo chương trình lương thực và nông nghiệp lương thực Liên Hợp Quốc, khoảng 780 triệu người đang đối mặt với nạn đói, trong đó một số nước châu Phi được xác định là điểm nóng.

Giá lúa gạo tăng mạnh trong tình hình mới

Cân đối xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Những biến động từ tình hình thời tiết cũng như các thoả thuận, chính sách mới từ các nước như Nga, Ấn Độ... đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo. Một tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn. Tận dụng cơ hội về giá và có những thận trọng nhất định để giảm thiểu rủi ro đã là những diễn biến đáng quan tâm.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tại ĐBSCL, giá lúa nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg.

Dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới.Thậm chí, các doanh nghiệp còn tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn của năm 2008.

Tình hình cũng đặt ra cho ngành lúa gạo bên cạnh cân đối để đảm bảo an ninh lương thực thì cũng không thể bỏ qua lợi ích, thu nhập của người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch gần 2,6 tỷ USD, tăng gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến động.

Xuất khẩu được lợi về giá và thị trường nhưng Việt Nam không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như chuẩn bị nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá. Lúc này, nhiều giải pháp đã được đưa ra để cân đối việc dự trự và xuất khẩu.

Cân đối xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực - Ảnh 3.

Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay là 250.000 tấn gạo. Ảnh

Vụ hè thu sẽ chịu những tác động ngày càng rõ rệt của Elnino. Do vậy khung lịch thời vụ đã được đẩy sớm hơn, tập trung vào cơ cấu giống lúa trung, ngắn ngày để né được hạn mặn, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng vẫn có thể đảm bảo hơn 10 triệu tấn thóc. Tính chung sản lượng cả nước trong năm nay là 43 triệu tấn thóc đủ đảm bảo an ninh lương thực trong nhiều kịch bản.

Trước xu thế tích trữ lương thực trên thế giới, Việt Nam cũng đã chủ động với công tác này. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay là 250.000 tấn gạo có thể đáp ứng các nhu cầu đột biến trong nhiều trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Việt Nam không chỉ nắm trong tay dạ dày của 100 triệu dân, mà còn là nguồn cung lương thực cho nhiều quốc gia khác. Khi Việt Nam chủ động lên các kịch bản an ninh lương thực quốc gia đồng nghĩa chúng ta không chỉ đang bảo vệ mình, mà còn đang nỗ lực gìn giữ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Theo Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần phối hợp tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, đồng thời nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu.

Trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trong nước tăng quá cao, bất hợp lý, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thận trọng và không nên lạc quan quá mức! Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Thận trọng và không nên lạc quan quá mức!

VTV.vn - Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng không nên lạc quan quá mức và không nên coi đây là cơ hội dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước