Xuất khẩu rau quả được xem là điểm sáng khi mà ngành hàng kỳ vọng chạm đến con số kỷ lục 7,5 tỷ USD trong năm nay. Một phần là do những sản phẩm lợi thế, một phần cũng nhờ công tác quản lý vùng trồng hiệu quả, chất lượng sản phẩm được nâng lên.
Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng loay hoay với câu chuyện trúng mùa, rớt giá. Những năm gần đây, cam sành luôn có "vị chua" với nhà vườn miền Tây. Thời điểm này năm trước, 1 tấn cam bà con chỉ bán được 2 triệu đồng. Năm nay, mỗi kg tăng đến 800 đồng nhưng những người trồng cam sành chẳng ai vui vì không đủ tiền phân, thuốc chăm cho cây.
Dễ trồng, năng suất cao nên diện tích cam sành ở đồng bằng sông Cửu Long không ngừng gia tăng. Điển hình như tại Vĩnh Long, từ khoảng 8.000 ha năm 2015 đến nay diện tích đã vượt ngưỡng 17.000 ha. Hay tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, diện tích cũng đã chạm mốc 3.000 ha.
Hiếm có cây ăn trái nào cho năng suất cao như cam sành, trung bình từ 70 đến 80 tấn cho mỗi ha. Nếu áp dụng kỹ thuật tốt thậm chí có thể tăng gấp đôi. Đã có thời gian, nhà vườn miền Tây làm giàu từ cam sành nhờ năng suất. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, dù trải qua nhiều thăng trầm về giá bán, cam sành vẫn tiếp tục lấn át cây lúa.
Chỉ riêng tại Vĩnh Long, sản lượng cam sành hàng năm vào khoảng 1 triệu tấn. Nếu tính bình quân, mỗi ngày, địa phương này phải tìm cách tiêu thụ gần 3.000 tấn cam. Hiện nay, cam sành chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, do đó, cần phải có giải pháp tiêu thụ rộng hơn để có thể giải quyết đầu ra của loại trái cây này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!