Toàn cầu hoá đang khiến chi phí sản xuất quần áo ngày càng rẻ hơn. Những hãng thời trang lớn đều chuyển nhà máy sản xuất sang những nước có chi phí nhân công thấp. Vì vậy, chất lượng quần áo tốt nhưng giá thành rẻ hơn nhiều so với sản xuất ở các nước phát triển.
Với tiêu đề "Giá thực sự của việc mua quần áo rẻ" đăng trên tờ BBC, tác giả bài báo chỉ ra một thực tế là quần áo giờ đây thực sự quá rẻ, chỉ với 1 Bảng (dưới 30.000 đồng) là bạn có thể mua cho mình một bộ áo tắm bikini trong các cửa hiệu ở London. Theo thống kê mới đây nhất cho thấy, người Anh đang là những người chịu khó mua sắm quần áo nhất châu Âu, nhiều hơn gấp 5 lần so với những năm 1980 và nhiều hơn cả người Pháp và Ý, vốn tự hào là những người sành điệu nhất châu lục này
Tuy nhiên, theo tác giả bài báo thì hậu quả của xu hướng tiêu dùng này là đáng báo động bởi nó làm tàn phá môi trường và suy giảm điều kiện lao động của công nhân trong các nhà máy.
Để tối đa hóa lợi nhuận, các công ty luôn phải tìm nơi có chi phí sản xuất rẻ nhất, đồng nghĩa với việc trả lương công nhân thấp nhất và với môi trường lao động tồi tàn nhất. Điều kiện lao động quá khắc nghiệt ở các nước này cũng đã khiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Điển hình là vụ việc 1.138 công nhân dệt may thiệt mạng ở công ty Rana, Bangladesh năm 2014. Các cuộc biểu tình và áp lực từ dư luận sau đó đã buộc hãng thời trang này phải tăng lương và cải thiện điều kiện lao động cho công nhân. Nhưng khi đó cũng là lúc họ bắt đầu tìm kiếm địa điểm sản xuất mới.
Về tác động đối với môi trường, bài báo cho biết, dệt may là ngành sản xuất góp phần vào biến đổi khí hậu lớn hơn cả hai ngành hàng không và tàu thủy cộng lại. Hậu quả đối với môi trường diễn ra ở tất cả các giai đoạn trong vòng đời một sản phẩm từ sản xuất, vận chuyển, phân phối, sử dụng và thải loại. Ủy ban Kiểm toán môi trường của Hạ viện Anh chỉ ra trong một báo cáo gần đây, để sản xuất 1 chiếc áo phông và một đôi quần bò có thể mất tới 20.000 lít nước.
Ủy ban Kiểm toán môi trường Hạ viện Anh đã đưa ra 18 khuyến nghị từ đánh thuế lên các sản phẩm thời trang, giảm thuế đối với các dịch vụ may vá, sửa chữa quần áo cho tới mở thêm nhiều lớp dạy may vá ở các trường học. Tuy nhiên, chưa biện pháp nào trong số này được chấp nhận. Hiện tại, Chính phủ mới dừng ở việc động viên các công ty tự nguyện tham gia kế hoạch sản xuất thời trang bền vững.
Một số hãng thời trang lớn như Zara gần đây đã cam kết sẽ chuyển 100% sang các loại vải thân thiện với môi trường vào năm 2025. Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, đây chỉ là hình thức, bản chất là đánh bóng thương hiệu nhằm thuyết phục người tiêu dùng tiêp tục mua sản phẩm của họ.
Người tiêu dùng thì sao? Ngày càng có nhiều người hưởng ứng việc mua ít quần áo hơn thay vào đó là tái chế và sửa chữa quần áo cũ như là một cách để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, phong trào này chưa đủ lớn để có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của các tín đồ thời trang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!