Cà phê Việt: Muốn "đi xa" phải có "gốc vững"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 05/01/2024 13:59 GMT+7

VTV.vn - Khi nông dân làm chủ kỹ thuật chế biến, bảo quản, chất lượng cà phê Việt Nam sẽ được gia tăng ngay từ vùng nguyên liệu.

Xuất khẩu cà phê dự báo đạt gần 5 tỷ USD

Trong niên vụ cà phê 2022 - 2023, ngành cà phê Việt Nam đã lập kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Dự báo cho niên vụ tới, mặc dù sản lượng xuất khẩu có thể giảm xuống khoảng 1,4 triệu tấn do giảm sản lượng và tăng nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, do giá cà phê tiếp tục tăng cao nên khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 4,5 - 5 tỷ USD

Cà phê Việt: Muốn đi xa phải có gốc vững - Ảnh 1.

Xuất khẩu cà phê dự báo đạt gần 5 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đổi mới năng lực sản xuất thích ứng xuất khẩu

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, diện tích cà phê nước ta đang bị thu hẹp tại nhiều vùng trồng trọng điểm, trong niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống ở mức khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn, so với mức gần 1,8 triệu tấn của niên vụ 2022 - 2023.

Sản lượng cà phê lớn nhưng chỉ mới 30% sản lượng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đòi hỏi các hợp tác xã phải nâng cao năng lực sản xuất, cũng như hướng dẫn bà con nông dân trong vùng liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao.

Cà phê Việt: Muốn đi xa phải có gốc vững - Ảnh 2.

Chuỗi giá trị cà phê đang được đổi mới, chuyển từ tư duy tăng năng suất sang tư duy tăng chất lượng, tăng giá trị, đa giá trị từ cây cà phê.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Cư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đang liên kết 217 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận tiêu chuẩn FLO với tổng diện tích trên 316 ha. Để đáp ứng quy mô sản xuất này, hợp tác xã đã đầu tư đường giao thông nội đồng, kho bảo quản, nhà kính phơi sấy bằng năng lượng mặt trời.

Việc các hợp tác xã tập trung nguồn lực, đất đai để sản xuất lớn… đầu tư máy móc, trang thiết bị chế biến hiện đại, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn đang được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng sản xuất sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ của nông dân.

Ông Trần Văn Thuận - Giám đốc HTX Cà phê Chất lượng cao Ea Sin, huyện Krông Búk, Đắk Lắk cho biết: "Giờ mình cũng phải làm mô hình để gia tăng kinh tế cho bản thân mình, cho hợp tác xã với lại cho người dân họ theo. Họ thấy đầu tư như thế là có lợi. Làm theo quy trình thì hạt cà phê mới được giá trị"

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 39 tổ hợp tác và 53 hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Trong số đó, có khoảng 31 hợp tác xã cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Chuỗi giá trị cà phê đang được đổi mới, chuyển từ tư duy tăng năng suất sang tư duy tăng chất lượng, tăng giá trị, đa giá trị từ cây cà phê.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trong liên kết hợp tác, sản xuất theo hướng chứng nhận đang rất được quan tâm. Đây là yếu tố tiên quyết để đảm bảo thu mua, giải quyết toàn bộ nguyên liệu bà con sản xuất ra được thu mua ổn định, tạo giá trị tăng cao, góp phần quan trọng cho tái cơ cấu ngành".

Chiến lược của ngành cà phê Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, các hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân. Khi đó chất lượng sản phẩm tăng lên ít nhất là 30%, thu nhập của nông dân cũng tăng lên đáng kể trên cùng một diện tích.

Làm chủ kỹ thuật chế biến cà phê

Để gia tăng chế biến nhằm tăng giá trị cà phê, một trong những việc làm được các địa phương thực hiện là "tri thức hóa nông dân". Ngoài đào tạo người nông dân nắm bắt kỹ thuật canh tác, chăm sóc thì kỹ thuật phơi sấy, chế biến, bảo quản sau thu hoạch là khâu quyết định chất lượng thành phẩm của hạt cà phê.

Từ ngày đầu tư hệ thống chế biến ướt tại nhà, mỗi lần thu hái cà phê, gia đình bà Nguyễn Thị Dương (xã Cư Kpô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) có thể chế biến ngay trong ngày. Công việc diễn ra nhẹ nhàng, thong thả, cà phê lại có giá cao khi bán ra.

Cà phê Việt: Muốn đi xa phải có gốc vững - Ảnh 3.

Khi nông dân làm chủ kỹ thuật chế biến, bảo quản, chất lượng cà phê Việt Nam sẽ được gia tăng ngay từ vùng nguyên liệu.

Hiện nay, hầu hết nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên đều thu hái xong thì xay xát, phơi sấy liền, không chất đống làm phát sinh nấm mốc, bao bì đựng sạch sẽ không dính hóa chất, phân bón.

Ông Lê Đức Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: "Cà phê chất lượng cao là chúng ta hái chín, hái lựa, chế biến ướt… Theo chúng tôi hiện nay thị trường cà phê hái chín nhiều hơn, phơi phóng tốt hơn thì bảo đảm bà con thu nhập theo giá 30% giá trị gia tăng là bình thường".

Cả nước hiện có 710.000 ha cà phê. Diện tích cà phê do nông hộ chăm sóc, thu hoạch, chế biến chiếm đến 85%. Chính vì vậy, khi nông dân làm chủ kỹ thuật chế biến, bảo quản, chất lượng cà phê Việt Nam sẽ được gia tăng ngay từ vùng nguyên liệu.

Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD năm 2024 Xuất khẩu cà phê có thể đạt 5 tỷ USD năm 2024

VTV.vn - Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, từ nay đến tháng 4 năm sau, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Robusta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước