Nếu năm 2020 kinh tế thế giới như bước vào một đường hầm, đầy rẫy bóng đen, vô định do COVID-19 thì năm 2021, với sự phủ khắp của vaccine và những nỗ lực đến từ chính phủ các nước thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, cả thế giới bắt đầu thấy được tia sáng hy vọng từ sự vực dậy của chuỗi sản xuất toàn cầu cho đến một kỷ nguyên mới của "vũ trụ ảo" .
Việc được ngồi trên máy bay ngắm nhìn mây trôi hững hờ bên ngoài từng là ước mơ xa xỉ của nhiều người khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với chính sách "sống chung an toàn với COVID-19", các chuyến bay đã được cất cánh trên bầu trời, du lịch khôi phục, giao thương được nối lại…
Kinh tế thế giới 2021 được ví như người đi trên dây. Việc sở hữu lá chắn vaccine phòng COVID-19 đã giúp các hoạt động kinh tế có thể quay trở lại nhịp vận động trước đó.
Từ mức tăng trưởng -3,5% năm 2020, trong các báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tháng 1 đến tháng 7, GDP thế giới được dự báo tăng từ 5,5 - 6%. Có thể thấy, kinh tế toàn cầu sẽ đi rất vững chắc trên sợi dây tăng trưởng. Nguyên nhân là do cầu tiêu dùng tăng nhanh, thậm chí là đột biến sau khi mở cửa đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và dịch vụ.
Theo báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tháng 1 đến tháng 7, GDP thế giới được dự báo tăng từ 5,5 - 6%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Theo IMF, kể từ khi đại dịch diễn ra, đến nay, các chính phủ đã chi một số tiền kỷ lục, khoảng 16,9 nghìn tỷ USD và Mỹ chiếm 1/3. Trong số 6.000 tỷ USD được bơm ra, khoảng 1/7 số tiền là được chuyển thẳng vào tài khoản của người dân đóng thuế. Theo cách nói của người Mỹ là helicopter money (rải tiền từ trực thăng). Đến nay, mỗi người Mỹ đã nhận 3 lần khoản cứu trợ này.
Tuy nhiên, gió bỗng nổi lên và mạnh đến mức chiếc siêu tàu chở hàng mang tên Ever Given dài hơn cả tháp Eiffel, nặng hơn 200.000 tấn, có thể chứa tối đa 20.000 container đang đi thẳng thì mắc cạn, đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu thiệt hại 10 tỷ USD/ngày, báo hiệu những sự rung lắc đầu tiên khi đi trên sợi dây.
Đáng sợ hơn, cơn gió lần này nguy hiểm đến mức nó đã mang theo biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đi khắp thế giới. Mặc dù biến thể này xuất hiện tại Ấn Độ từ cuối năm 2020, nhưng đến tháng 5/2021 nó mới thực sự bùng phát, vắt kiệt sức chịu đựng của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là tại khu vực châu Á - công xưởng sản xuất của thế giới. Sự mất cân bằng cung cầu đã dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ở phạm vi toàn cầu.
Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngày nay có đến 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, phần lớn qua các con tàu container khổng lồ của các hãng tàu quốc tế với số lượng vào khoảng trên 5.500 chiếc trong năm 2021.
Khi mở cửa trở lại vào quý 1/2021 sau thời gian dài phong tỏa, nhu cầu hàng hóa tại Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất bất ngờ tăng vọt, dẫn đến các nhà nhập khẩu sẵn sàng trả giá cao để nhận hàng.
Có cầu tất có cung, các hãng vận tải biển quốc tế đã tập trung đội tàu phục vụ cho tuyến đường vận tải biển mang lại lợi nhuận nhiều nhất, đẩy giá cước vận tải lên trên 20.000 USD.
Các con tàu cập cảng quá nhiều đã bị dồn ứ, đôi khi phải chờ đến vài tuần mới có thể bốc dỡ xong. Hàng hóa được bốc dỡ khỏi tàu lại gặp một vấn đề khác, đó là không có tài xế xe tải vận chuyển. Điều đó có nghĩa là một kiện hàng trước đại dịch chỉ cần 2 ngày để đến tay người dùng, nay sẽ cần đến 2,5 ngày.
"Mọi người đều bất ngờ trước sự phục hồi quá nhanh của nhu cầu tiêu dùng, không chỉ với chất bán dẫn, xe ô tô, mà còn với tất cả mọi thứ đã khiến hệ thống cung ứng không phản ứng kịp", Giáo sư Hiroaki Kuwajima, Đại học California tại Berkeley, cho hay.
Sự tròng trành trên sợi dây đã lan từ chuỗi cung ứng sang thị trường năng lượng. Nhu cầu tăng vọt trong khi sản lượng không đáp ứng đủ.
Đợt khan hiếm năng lượng ban đầu chỉ diễn ra cục bộ, nhưng đáng ngại hơn, năm qua chứng kiến việc năng lượng đã được sử dụng như một "vũ khí" trong cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.
Khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị
OPEC đối đầu với một bên là một nhóm nước đứng đầu là Mỹ, khi người xả, người khóa van dầu. Trong khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nối Nga và châu Âu cũng đang bị chính trị hóa chưa đưa vào vận hành, khiến lục địa già đối mặt mùa đông lạnh do không đủ năng lượng sưởi ấm.
Rõ ràng thùng dầu, than đá vẫn đang chi phối kinh tế thế giới. Cuộc cách mạng năng lượng xanh dù đạt được nhiều bước tiến đáng kể năm qua, nhưng Hội nghị COP26 chưa đạt được như kỳ vọng đang đặt ra nhiều câu hỏi.
Có thể thấy, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, biến thể Delta, khủng hoảng năng lượng, cung tiền nhiều trên thị trường... đã khiến giá cả hàng hóa leo thang, gây ra lạm phát nghiêm trọng.
Kinh tế thế giới năm 2021 chứng kiến nhiều biến động như: tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng... (Ảnh: Getty Images)
Nếu 7 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế thế giới khá vững chắc, thì giai đoạn nửa sau lại rung lắc, gián đoạn liên hồi, môi trường bất định như người đi trên dây. Lập trường chính sách tiền tệ cũng rẽ sang hướng khác: Thắt chặt tiền tệ.
Để có thêm góc nhìn sâu hơn về chủ đề lạm phát, mối nguy cơ toàn cầu, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên chuyên ngành Tài chính kế toán Đại học Bristol, Anh.
Sự khác biệt về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn
PV: Sự khác biệt về chính sách giữa các ngân hàng trung ương lớn sẽ tác động ra sao tới lạm phát năm 2022 thưa ông?
TS. Hồ Quốc Tuấn: "Năm 2021, lạm phát có thể là mức đỉnh của giai đoạn hậu COVID-19. Kể từ năm 2022, mức lạm phát sẽ bắt đầu giảm đi, hầu hết các ngân hàng trung ương cũng thận trọng. Mặc dù các nền kinh tế như Anh, Mỹ rút lại thanh khoản hoặc tiến hành tăng lãi suất, nhưng họ cũng lo ngại về chủng COVID-19 mới".
PV: Vậy ông đánh giá ảnh hưởng của lạm phát tới các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong năm 2022 sẽ như thế nào?
TS. Hồ Quốc Tuấn: "Đối với các quốc gia đang phát triển, sang năm 2022, lạm phát có thể tăng từ 2 - 2,5%, nhiều nước có thể lên đến 3 - 4%, thậm chí còn cao hơn. Năm 2022 mới là một năm ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển phải đi vay nhiều hơn, phải ưu tiên hơn đối với vấn đề phát triển kinh tế, hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể hoạt động được và duy trì dòng vốn FDI đổ vào khu vực này".
Chiến dịch "Thanh gươm mạng"
Các công ty trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản tại Trung Quốc trong năm 2021 đã rơi vào một trò chơi sinh tồn, trong đó họ chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi giới chức Trung Quốc.
Phát biểu tại một hội nghị về tài chính tiền tệ vào ngày 24/10/2020 rằng sự bất cập của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống tài chính kém phát triển và bóng gió rằng công ty tài chính công nghệ (Fintech) của Jack Ma có thể là giải pháp cho vấn đề này.
Jack Ma có lẽ không ý thức rằng lời nói của mình sẽ đi vào lịch sử Fintech Trung Quốc, bởi nó đánh dấu thời điểm khi giới chức nước này chuyển mối quan hệ với những gã khổng lồ công nghệ từ "thoải mái" sang "siết vòng kim cô".
Cũng đúng vào ngày 24/10/2020, Trung Quốc đã trình làng Chiến dịch "Thanh gươm mạng", một chiến dịch trên phạm vi rộng liên quan đến 14 bộ và cơ quan nhằm "chỉnh đốn" lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Chiến dịch "Thanh gươm mạng" đã thay đổi mô hình kinh doanh của các công ty nền tảng tư nhân dựa trên dữ liệu người dùng sau một thập kỷ bùng nổ, chia sẻ doanh thu hướng tới mục tiêu "thịnh vương chung".
"Doanh thu của nhiều doanh nghiệp Fintech bị thu hẹp. Trò chơi trực tuyến, dạy thêm online gần như trở về 0. Hoạt động gọi vốn IPO của doanh nghiệp gặp khó khăn", TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, VNUA, cho hay.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cam kết thúc đẩy mạnh các công nghệ mũi nhọn như bán dẫn, hàng không vũ trụ, tăng cường hiện diện hoặc góp vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.
"Nhà nước sẽ tăng sự hiện diện cổ phần vàng hoặc cổ phần chi phối trong công ty tư nhân hay kết hợp mô hình công - tư trong các doanh nghiệp công nghệ. Ở khía cạnh khác, nó sẽ khiến hoạt động sáng tạo của các công ty công nghệ hoặc sự chú ý của các công ty công nghệ nước ngoài đến các công ty công nghệ bản địa của Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn", TS. Phạm Sỹ Thành cho biết thêm.
Metaverse - từ khóa "nóng" nhất của giới công nghệ năm 2021
Hãng tin Bloomberg từng nhận định, 2021 là một năm "hoang dại và đầy cảm xúc" cho những nhà đầu tư. Giờ đây, họ còn muốn khai phá, tìm cơ hội sinh lời mới trong các không gian ảo. "Metaverse" (vũ trụ ảo), đang là một trong những từ khóa "nóng" nhất của giới công nghệ năm nay.
Cơ chế của các nền tảng vũ trụ ảo là chúng ta có thể làm hầu như mọi thứ giống trong đời thực. "Nền kinh tế vật phẩm số" được dự báo sẽ bùng nổ trong metaverse. Chẳng hạn, các nền tảng metaverse có thể bán đất đai cho người dùng và doanh nghiệp để làm nhà hay kinh doanh. Những doanh nghiệp cũng có thể đưa lên các đồ thời trang, thẻ game sưu tầm hay thú ảo.
Một phần hình ghép từ tác phẩm NFT trị giá 69 triệu USD. (Ảnh: Beeple/Christie's)
Tất cả chúng ta có thể tạo ra các tài sản số NFT để kinh doanh trong metaverse. Cách làm vô cùng đơn giản. Chẳng hạn bạn có thể chụp 1 bức ảnh selfie, sau đó đưa lên 1 trang web tài sản số, đăng ký các thông tin của vật phẩm và trả một khoản phí, khoảng 150 USD để xác thực trên chuỗi khối blockchain rằng, tôi là tác giả và chủ sở hữu. Như vậy, nó đã trở thành 1 NFT - hay 1 token độc nhất vô nhị, 1 tài sản số có thể đem mua bán.
Có thể bức ảnh này trở thành "hàng hiếm", được cộng đồng vũ trụ ảo săn lùng, thổi giá đến hàng nghìn USD, hoặc nó vẫn là NFT nhưng không ai mua, không tạo ra giá trị gì.
Tính trên tất cả các nền tảng, hơn 4,5 triệu NFT đang được mua bán. Tuy nhiên, những lô đất ảo hay tác phẩm nghệ thuật hàng triệu USD cũng chỉ là 1 trong số 1% những NFT có giá trị cao.
Dù thị trường khó đoán, nhưng các ông lớn vẫn đổ tiền vào nền kinh tế vật phẩm số này, bởi họ tin tưởng rằng càng đầu tư, càng lôi kéo nhiều người dùng tham gia thì giao dịch sẽ càng sôi động. Tuy nhiên càng nóng, rủi ro lại càng tăng. Nhiều chuyên gia cảnh báo tài sản số sẽ đối mặt với những vấn đề như nguy cơ lấy cắp thông tin hay có những cá voi đứng sau thao túng thị trường này. Bởi vậy, các quốc gia cũng đang đưa ra những tài sản số nóng như NFT vào tầm ngắm.
Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron lại một lần nữa giống như một "phép thử" với sự linh hoạt và sức chịu đựng của các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2022, nhưng vẫn còn đó những hy vọng mới, bởi càng khó khăn, con người càng đoàn kết và sáng tạo mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!