Bức tranh 2 mặt của nền kinh tế tiêu dùng Mỹ

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 29/06/2024 16:56 GMT+7

VTV.vn - Tiêu dùng - một trụ cột của nền kinh tế Mỹ đang có biểu hiện phân cực, trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất hơn 2 thập kỷ.

Sự suy giảm niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ

Kinh tế Mỹ vừa đón thêm những tín hiệu tích cực, khi số liệu ngày 28/5 công bố cho thấy, chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân PCE lõi của Mỹ tháng 5 đã ghi nhận mức tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trùng khớp với dự báo của thị trường và mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua.

Giá cả PCE lõi có vai trò quan trọng với thị trường, bởi đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy quá trình kiềm chế lạm phát có nhiều tiến triển. Các chuyên gia cho rằng thị trường dường như khá hài lòng khi số liệu PCE tháng 5 đi đúng với dự báo, tuy nhiên họ vẫn phải theo dõi sát diễn biến lộ trình lãi suất của FED trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ số giá PCE tiếp tục hạ nhiệt, lạm phát tại Mỹ hiện vẫn cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu 2% của FED. Việc lạm phát và lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao đang ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ.

Bức tranh 2 mặt của nền kinh tế tiêu dùng Mỹ - Ảnh 1.

Việc lạm phát và lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao đang ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images.

Các số liệu thống kê công bố cách đây ít ngày cho thấy, chỉ số Niềm tin Tiêu dùng (CCI) của Mỹ đã giảm nhẹ từ mức 101,3 trong tháng 5 xuống còn 100,4 trong tháng 6. Còn theo một khảo sát khác của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng cũng sụt giảm mạnh trong tháng 6.

Trong năm ngoái, kinh tế Mỹ vẫn có thể duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp áp lực từ lạm phát và lãi suất cao bởi người tiêu dùng Mỹ vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế, sẵn sàng mở ví chi tiêu. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhẹ hơn dự báo trên cho thấy một bộ phận người tiêu dùng Mỹ đang có chút lo ngại về triển vọng kinh tế sắp tới. Quan điểm cũng rất khác nhau giữa các nhóm. Ví dụ nhiều người lạc quan về thị trường lao động, về lạm phát; nhưng không ít người lo ngại môi trường kinh doanh sắp tới có thể khó khăn hơn, rồi cuộc bầu cử Tổng thống…

Theo đánh giá thì người tiêu dùng tuổi từ 35 - 54 thuộc nhóm bi quan, trong khi nhóm trẻ tuổi hơn lại lạc quan. Tổ chức Conference Board thậm chí nhận định thời gian tới, nhóm trẻ dưới 35 tuổi và những người có thu nhập tầm 10.000 USD/tháng trở lên vẫn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng lạc quan. Ví dụ 6 tháng tới, sẽ rất ít người mua ô tô, thiết bị gia dụng nhưng sẽ có nhiều người đầu tư nhiều tiền hơn cho việc đi du lịch, nghỉ dưỡng…

Tác động của lạm phát tới chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ

Niềm tin suy giảm đang có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động chi tiêu tiêu dùng - vốn đóng góp 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thu nhập từng nhóm người tiêu dùng. Điều này đang đặt ra những thách thức cho ngành bán lẻ Mỹ, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng.

Theo các chuyên gia của Fitch Ratings, người tiêu dùng Mỹ nhìn chung không có đánh giá quá tích cực về triển vọng kinh tế nói chung, đặc biệt là về lạm phát. Tuy nhiên, sự suy giảm niềm tin tiêu dùng chưa hẳn đã đồng nghĩa với một sự cắt giảm chi tiêu rõ ràng. Nhiều người Mỹ thuộc nhóm thu nhập cao, vẫn sẽ sẵn sàng mở hầu bao.

Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường Mỹ, Fitch Ratings đánh giá: "Top 20% người giàu nhất nước Mỹ chiếm tới 40% mức chi tiêu mua sắm trên thị trường. Nhóm này vẫn đang rất khỏe mạnh và dường như "miễn nhiễm" với lạm phát. Bởi trong tay họ có nhiều tài sản và cũng không có các khoản vay thế chấp cố định, hay thẻ tín dụng nên cũng không phải hứng chịu mức lãi suất cao".

Bức tranh 2 mặt của nền kinh tế tiêu dùng Mỹ - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, với nhóm người có thu nhập thấp hơn, dưới 50.000 USD/năm, niềm tin đang dần lung lay. Khi lãi suất cao được duy trì càng lâu, nhóm người tiêu dùng này càng có tâm lý lo ngại bởi họ không có nhiều tài sản, luôn phải chật vậy xoay xở với áp lực từ lạm phát và lãi suất cao. Việc thắt chặt chi tiêu là điều không thể tránh khỏi.

"Với ngân sách hạn chế, tôi phải dành một nửa mức chi tiêu của mình cho hàng tạp hóa và mua hàng với giá cao gấp đôi. So sánh với giá cả trước đây, mọi thứ đang khó khăn hơn nhiều", người tiêu dùng Mỹ chia sẻ.

"Trước đây, tôi có thể mua sắm với không quá 200 - 300 USD. Giờ có thể phải mất 300 - 400 USD với mức giá như hiện nay. Tôi có bốn con nhỏ và không thể mua ít thực phẩm hơn được", một người tiêu dùng khác tại cho hay.

Cảm nhận được áp lực từ người tiêu dùng, nhiều hãng bán lẻ Mỹ, đặc biệt là các thương hiệu phổ biến với nhóm gia đình thu nhập thấp, đã thúc đẩy các chương trình ưu đãi. Amazon mới đây đã giảm giá 10% cho hàng trăm mặt hàng tạp hóa trực tuyến, trong khi những tên tuổi lớn khác như Walgreens, Target, hay Walmart cũng liên tiếp cắt giảm giá của nhiều sản phẩm phổ biến, từ bơ cho đến bột giặt.

Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường Mỹ, Fitch Ratings cho biết: "Các hãng bán lẻ nhìn chung vẫn kinh doanh khá tốt trong thời gian qua, bằng cách chuyển gánh nặng chi phí cao hơn sang người tiêu dùng. Nhưng giờ đây, đang dần có một số sự thay đổi, khi người tiêu dùng tìm cách ứng phó bằng việc giảm chi tiêu. Các công ty nhận thấy điều đó nên đã tung ra các khoản giảm giá, nhiều chương trình khuyến mãi hơn".

Các chuyên gia dự báo, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn có xu hướng thận trọng, các hãng bán lẻ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm giá trong thời gian tới, để thúc đẩy khách hàng mua sắm nhiều hơn, từ đó đảm bảo động lực chi tiêu tiêu dùng.

Triển vọng chính sách lãi suất của FED

Có thể thấy với những sự phân cực trong chi tiêu tiêu dùng, bức tranh kinh tế Mỹ trong thời gian tới vẫn sẽ khá phức tạp, khiến các nhà hoạch định chính sách của FED phải xem xét một cách kỹ lưỡng.

Trước kia FED phải cân nhắc giữa việc tăng lãi suất để giảm lạm phát, nhưng không được tăng cao quá, vì sẽ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ, tiêu dùng sụt giảm, từ đó dẫn tới giảm tăng trưởng GDP. Như vậy, nếu đúng logic này sắp tới tiêu dùng khả năng sụt giảm, có nghĩa là FED không được tăng lãi suất tiếp hoặc hạ lãi suất. Tuy nhiên, niềm tin tiêu dùng không đóng góp nhiều như thế.

Thứ nhất, niềm tin tiêu dùng vẫn chỉ là "niềm tin", cái mà FED quan tâm là lạm phát, là thất nghiệp, là GDP. Nghĩa là những chỉ số thực và bao quát hơn của nền kinh tế. Thứ hai, về mặt thời gian, nếu dự báo tháng 9 FED có thể hạ lãi suất thì từ giờ tới lúc đó còn khá xa.

FED còn phải xem 2 báo cáo về lạm phát, 2 báo cáo tỷ lệ thất nghiệp và báo cáo về GDP quý II, thậm chí dự báo GDP quý III. Ít nhất tới thời điểm này, dự báo về khả năng FED hạ lãi suất vào tháng 9 chưa có thay đổi gì.

Tâm lý của người tiêu dùng và cả các số liệu lạm phát sẽ tiếp tục là những dữ liệu mà giới chức FED theo dõi sát sao trong thời gian tới, để xác định lộ trình lãi suất phù hợp.

Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ Kinh tế Mỹ nguy cơ “hạ cánh cứng” Kinh tế Mỹ nguy cơ “hạ cánh cứng” Kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm hơn Kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm hơn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước