"Bỏng tay" giá thép

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 15/05/2021 10:41 GMT+7

VTV.vn - Giá thép thế giới cao kỷ lục trong 10 năm qua kéo giá nguyên vật liệu trong nước leo thang. Trong khi giá cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán tăng 2 - 3 chỉ sau 2 tháng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá quặng sắt giao tháng 9 tại sàn Đại Liên Trung Quốc vượt mốc 200 USD/tấn. Sàn Thượng Hải cũng chứng kiến giá thép cây thành phẩm cao kỷ lục trong 10 năm qua. Trong khi tại Mỹ, giá thép cuộn cán nóng hiện cao gấp 3 lần so với một năm trước.

Sức nóng từ thị trường quốc tế cũng kéo giá phôi thép trong nước cao hơn tới 40 - 50% so với cuối năm 2020. Các doanh nghiệp có đang "bỏng tay" vì cơn sốt giá sắt, thép toàn cầu?

"Sắt, thép" là 2 mặt hàng chiếm trọn trang nhất của các chuyên trang tài chính từ quốc tế cho đến Việt Nam. Bởi nó còn đang ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của từng người dân, từng doanh nghiệp khi trong một thời gian ngắn, chi phí đầu vào tăng đến hơn 40%

Thế nhưng, sau khi chạm ngưỡng kỷ lục trong hơn 10 năm qua, đà tăng này đã có dấu hiệu đảo chiều ngay trong 2 phiên giao dịch ngày thứ Năm, thứ Sáu vừa qua. Khởi nguồn của sự giảm giá này được cho là đến từ thị trường Trung Quốc.

Giá quặng sắt giảm 10% trong phiên giao dịch mới nhất tại Trung Quốc

Giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên 14/5 đã giảm liên tiếp sau 2 ngày. Hiện giá quặng sắt giao dịch quanh mức 1.173 Nhân dân tệ/tấn, tương đương 182 USD/tấn. Như vậy, giá quặng sắt đã giảm 10%.

Bỏng tay giá thép - Ảnh 1.

Giá quặng sắt thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh: Mining)

Kéo theo đó, giá hợp đồng tương lai của thép tại các sàn giao dịch giảm trong 2 ngày qua. Đây là kết quả đến từ nỗ lực của giới chức Trung Quốc, khi vừa tăng thuế xuất khẩu với các mặt hàng thép thành phẩm trong khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, như: gang, thép thô, thép nguyên liệu tái chế từ đầu tháng này xuống 0%.

Ngay đầu tuần, các sàn giao dịch hàng hóa ở Thượng Hải, Đại Liên, Trịnh Châu đã đưa ra hàng loạt biện pháp như nâng mức giới hạn giao dịch và ký quỹ bắt buộc đối với một số hợp đồng quặng sắt và hợp đồng thép tương lai.

Các ngành chức năng cũng yêu cầu các công ty khai khoáng mỏ của nhà nước gia tăng tối đa sản lượng sắt, than, thậm chí đang tính tới giải pháp xả kho dự trữ nhôm quốc gia.

Quặng sắt đã thực sự trở thành mặt hàng cực kỳ quan trọng ở châu Á nói riêng và trên toàn cầu nói chung, có quy mô thị trường lớn tương tự như mặt hàng dầu mỏ. Đó là lý do chính đẩy giá quặng sắt thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Trong một thế giới liên thông, tại thị trường Việt Nam, chỉ riêng trong hơn 10 ngày tháng 5 này, hàng loạt doanh nghiệp thép như: Thép Hòa Phát, Thép Việt Đức đã lần thứ 2 tăng giá thép. Tính đến hiện tại, chỉ trong tháng 5, giá thép cuộn tăng 1.000 đồng/kg, thép cây tăng 800 đồng/kg, mức tăng khoảng 5% chỉ riêng trong tháng. Cập nhật đến hiện tại, mức giá mặt hàng thép xây dựng (chưa bao gồm thuế) hiện ở khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Thậm chí, giá thép còn leo thang cả trên thị trường chứng khoán, chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, bất kể là doanh nghiệp thép đó có sản xuất nhiều hay ít, xuất khẩu hay chỉ cung cấp trong nước, thậm chí chỉ làm dịch vụ trong ngành thép cũng tăng ít nhất gấp 2 lần. Ví dụ như TLH của Thép Tiến Lên, tăng từ mức giá 6000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 3 lần. Với diễn biến giá quặng trên thế giới giảm, hai ngày qua, giá cổ phiếu thép cũng đã hạ nhiệt, như cổ phiếu này trong một phiên đã giảm hơn 5%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không hoàn toàn tin rằng cơn sốt giá sắt thép đã qua đi. Vì nếu nhìn vào biểu đồ giá quặng sắt trong gần 10 năm qua, thì xu hướng tăng giá của quặng sắt vẫn đang tiếp tục leo cao. Chưa bao giờ giá quặng sắt trong 10 năm qua vượt ngưỡng 200 USD. Thế nhưng, điều này đã xảy ra ngay trong tuần vừa qua. Giá quặng sắt - nguyên liệu chính trong sản xuất thép đã thăng 135% trong một năm qua, trở thành mặt hàng nổi bật trong nhóm kim loại về tốc độ tăng giá.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất toàn cầu.

Nhu cầu thép bùng nổ tại Trung Quốc

Nhu cầu về thép và thép thành phẩm tại Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới. Kể từ sau năm 2008, Trung Quốc đã vọt lên dẫn đầu, và tiếp tục duy trì ngôi vương. Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc chiếm hơn một nửa nhu cầu thép trên toàn thế giới.

Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng, sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng COVID-19. Các công tác kiểm soát dịch và biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và xuất khẩu đang phát huy tác dụng.

Mặc dù thị trường chứng kiến đà giảm sâu trong tháng 1 - 2, tuy nhiên tất cả các lĩnh vực sử dụng thép đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại ngay trong năm 2020. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng đã thúc đẩy nhu cầu thép năm ngoái và tiếp tục tăng trưởng vào năm 2021.

Ngoài ra, do lợi nhuận hoạt động sản xuất thép của nước này hiện tăng lên mức cao nhất một thập kỷ, nên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tranh thủ nhập quặng sắt về để sản xuất. Giá quặng sắt do vậy cứ thế tăng. Theo số liệu mới nhất, 70% lượng quặng sắt nhập khẩu trên đường biển đang được vận chuyển tới Trung Quốc.

Bỏng tay giá thép - Ảnh 2.

Nhu cầu về thép và thép thành phẩm tại Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới. (Ảnh: SCMP)

Tuy nhiên thực tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra, nhu cầu của Trung Quốc ước tính trong năm 2021 vẫn giữ nguyên so với năm 2020, ở mức 980 triệu tấn. Vậy còn những nguyên nhân khác nữa nữa tạo thúc đẩy đà tăng của giá sắt thép?

Thế giới đang đối mặt với một "siêu chu kỳ" không giống như những năm 2000

"Siêu chu kỳ tăng giá lần này sẽ không giống như những năm 2000. Nếu như siêu chu kỳ hàng hóa ở thời điểm đó chỉ thuần túy do sự bùng nổ nhu cầu của Trung Quốc, thì lần này, nguyên nhân còn đến từ việc các thị trường khác tung ra các gói kích thích kinh tế, không ngần ngại chi hàng nghìn tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Do đó, nhu cầu hàng hóa không ngừng tăng cao, nhất là quặng sắt - thành phần chính trong sản xuất thép.

Các hãng xuất khẩu quặng sắt hàng đầu tại Australia, hay Brazil nhận định quặng sắt đang bước vào giai đoạn sung sức với nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất thép.

Ngoài ra, các nền kinh tế phát triển đang nỗ lực giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch, nhằm cải thiện sức khỏe của môi trường. Một khi cắt giảm sản lượng sắt thép, giá sẽ tăng vọt", ông Keith Tan, Phó Giám đốc mảng Giá hàng hóa Kim loại của Công ty cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts chi nhánh tại Thượng Hải, cho hay.

Như vậy, mức giá 220 USD/tấn quặng sắt là đắt nhưng sẽ đắt hơn nhiều nếu chúng ta phải đóng cửa một nhà máy để đi theo hướng kinh tế xanh. Nhiều người chắc hẳn lo sợ nguồn cung lúc đó sẽ càng bị siết lại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu quặng và các khoáng sản khác tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu tháng 4, nếu tính trung bình mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu hơn 66.600 tấn quặng và khoáng sản, giá trị gần 10 triệu USD, con số này tăng 55,6% về lượng so với trung bình mỗi ngày của cùng kỳ năm 2020.

Một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam là Hòa Phát đã cho biết rằng thông thường, doanh nghiệp thép mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý. Tuy nhiên hiện tại, Hòa Phát cho biết đã trữ đủ nguyên liệu cho cả quý IV.

Có thể các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Hòa Phát đã đủ nguyên liệu để sản xuất cho cả năm, nhưng việc họ tăng giá bán thép thành phẩm ngay lập tức có thể là để phòng xa. Họ tăng trước để đề phòng rằng năm sau họ sẽ phải mua giá quặng ở mức cao hơn trong bối cảnh được dự báo kinh tế toàn cầu được phục hồi, nhu cầu quặng sẽ tăng lên. Ở năm sau, có thể phần lợi nhuận thu được từ năm nay sẽ bù đắp được sự tăng giá của quặng.

Giá thép tăng 40 - 50% so với cuối quý III/2020, kéo theo nguyên vật liệu gia tăng. Điều này khiến không ít các nhà thầu xây dựng cả nước nguy cơ mất toàn bộ lợi nhuận thi công, thậm chí là phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.

Còn thị trường nhà ở, chung cư chào bán ra thị trường sắp tới cũng đối diện nguy cơ tăng giá, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng

Giá nhà tăng đến cả tỷ đồng do giá thép cao kỷ lục

Chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng đến 40%, tác động lên giá bán nhà không nhỏ.

Ví dụ, 1 căn hộ 100m2 ở phân khúc trung bình đang có mức giá bán khoảng 2 tỷ đồng, thêm ảnh hưởng giá thép sẽ có giá bán khoảng 2 tỷ 160 triệu đồng; hay 1 căn nhà liền kề 100 m2 đang có mức giá khoảng 10 tỷ, sẽ tăng giá lên khoảng 11 tỷ 400 triệu đồng.

"Với các khu đô thị, các nhà chung cư, sắt thép chiếm tỷ trọng trong giá thành tương đối lớn, nên trong các tháng, các năm tiếp theo, chắc chắn giá nhà sẽ cao hơn", ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Hưng Thịnh Phát, nhận định.

Một nhà thầu xây dựng này đang có 3 dự án thi công chung cư, nhà liền kề... với tổng giá trị khoảng 900 tỷ đồng, giá hợp đồng là cố định. Khi thép tăng kỷ lục, vượt ngoài mọi dự báo, nhà thầu thiệt hại khoảng 8% tổng giá trị hợp đồng và mất toàn bộ lãi thi công các công trình. Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án cũng chưa thể ngay lập tức tăng chi phí xây dựng.

Bỏng tay giá thép - Ảnh 3.

Giá mặt hàng thép xây dựng (chưa bao gồm thuế) hiện ở khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Khi giá cả tăng đột biến, vượt quá chi phí dự phòng cũng sẽ ảnh hưởng đến vùng giá họ đưa ra thị trường. Bản thân chủ đầu tư cũng phải cân đối để đảm bảo lợi ích giữa nhà thầu để giúp sản phẩm đưa ra thị trường đúng theo tiến độ đã cam kết với người mua. Nếu giá cả cứ tăng tiếp, người mua sẽ là người cuối cùng phải chịu", ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, cho biết.

"Mình đang phát triển nhiều về nhà ở xã hội cho tầng lớp thu nhập thấp, mình cũng có mức giá sàn cho nhà ở xã hội. Những vật liệu tăng cao sẽ đẩy giá lên", ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Delta, cho hay.

Nỗ lực hạ nhiệt thị trường quặng sắt, thép

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tổng sản phẩm ngành xây dựng chiếm khoảng 10% tổng GDP cả nước. Việc giá thép tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng cơ bản, làm chậm mục tiêu phát triển.

Về phía Bộ Tài chính, Vụ Chính sách thuế cho rằng có thể xem xét đến việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước. Còn vấn đề giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng thép thành phẩm cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng.

Tăng năng lực sản xuất trong nước là cần thiết, nhưng như con số Bộ Công Thương đưa ra về thép xây dựng có thể sản xuất là 14 triệu tấn, còn nhu cầu chỉ là 11 triệu tấn. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đối với thép xây dựng, tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại đảm phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế để đảm bảo cân đối nhu cầu trong nước, tránh tình trạng xuất khẩu ra nước ngoài gây thiếu hụt nguồn cung.

Nếu những lần siêu chu kỳ hàng hóa trong quá khứ, chính phủ các nước đã can thiệp để điều chỉnh đà tăng, thì lần này họ cũng lường trước được những rủi ro và tung ra các biện pháp phòng tránh, chẳng hạn như Trung Quốc mới đây.

Trước nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc để hạ nhiệt thị trường quặng sắt và thép, các chuyên gia nước ngoài cho rằng những giải pháp này hiện là khó bền vững. Trung Quốc đang tăng nhập, giảm xuất các mặt hàng quặng sắt và thép thành phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, nhu cầu các mặt hàng này toàn cầu vẫn sẽ tăng, khó giảm.

Góp thêm lửa làm nóng thép là căng thẳng Trung Quốc - Australia khiến nguồn cung các quặng sắt từ Australia cho Trung Quốc bị đứt đoạn.

Hiện Trung Quốc tồn kho thép tại 29 thành phố trọng điểm đến cuối tuần trước là 14,2 triệu tấn, tăng sau 8 tuần liên tiếp giảm.

Tuy nhiên về trung hạn, nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng thép vẫn sẽ tiếp tục nóng nếu các quốc gia không chung tay can thiệp vào thị trường.

Các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo đang điều chỉnh về thời gian thép có tăng hết quý III/2021 khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác.

Có thể nói, về dài hạn, ngành thép được đánh giá với nhiều tín hiệu lạc quan, khi nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Ngoài ra, một số công ty thép có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Vì sao giá quặng sắt, thép tăng phi mã? Vì sao giá quặng sắt, thép tăng phi mã?

VTV.vn - Giá quặng sắt - nguyên liệu chính trong sản xuất thép, đã tăng 135% trong một năm qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước