Ảnh minh họa.
Ngày 5/6, Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Về phê duyệt đề án cơ cấu lại, đến tháng 5/2024, đã có 101 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối với 5/9 doanh nghiệp, Các cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phê duyệt 96/667 doanh nghiệp (19 doanh nghiệp thuộc trung ương và 77 doanh nghiệp thuộc các địa phương). Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong tháng 5/2024, ghi nhận Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá trị 39,91 tỷ đồng, thu về 180,58 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá trị 39,91 tỷ đồng, thu về 180,58 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết trong năm 2024 sẽ thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, khuyến khích đổi mới sáng tạo và quản trị theo chuẩn mực quốc tế tiên tiến; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực nhà nước giao; đảm bảo việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, xăng dầu..., nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin và tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Việc xử lý bằng các hình thức giải thể, phá sản phải đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước, người lao động và các nhà đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!