Bỏ đấu giá đất 30 tỷ đồng/m2: "Siêu bão" thổi giá đất

VTV Digital-Thứ ba, ngày 03/12/2024 15:09 GMT+7

VTV.vn - Theo luật sư, các đối tượng nâng giá rồi bỏ tham gia phiên đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả phiên đấu giá, làm gián đoạn phiên đấu giá thể bị xử lý hình sự.

Trả giá cao bất thường gây nhiễu loạn hoạt động đấu giá

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất có giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng một m2. Tiền đặt trước tương ứng 223 - 550 triệu đồng một lô.

Theo quy chế, cuộc đấu sẽ diễn ra tối đa và kết thúc sau 6 vòng bắt buộc. Tuy nhiên, điều bất thường đã xảy ở vòng đấu thứ 5. Đó là một khách hàng đã trả giá cho 3 lô đất tới mức 30 tỷđồng/m2. Đến vòng 6 - vòng cuối cùng để xét giá trúng thì đồng loạt không trả giá. Điều này khiến 36 trong tổng số 58 lô đất đấu giá không thành, buộc huyện Sóc Sơn phải tổ chức đấu giá lại các lô này trong tháng 12 này.

Hoạt động đấu giá đất là để các địa phương thu ngân sách và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được đất ở. Thế nhưng, khi "tạo điều kiện" không được làm như đúng ý nghĩa của nó, thật sự đã gây bức xúc.

Đã vài ngày trôi qua, nhưng những người dân sống tại Sóc Sơn, đồng thời cũng là các khách hàng trực tiếp tham gia buổi đấu giá, vẫn chưa hết bức xúc về hành vi của đối tượng trả giá cao bất thường, rồi ngang nhiên không đấu tiếp ở vòng cuối cùng.

"Họ thổi không phải thổi đơn giản, mà thổi thành siêu bão, giá nó cao quá. Mong sao các cơ quan chức năng có biện pháp như thế nào cho hợp lý", anh Chu Quang Việt - huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội nói.

"Giá trị thực không bao giờ lên được như thế. Giá đó đỉnh điểm của Việt Nam, cả thế giới cũng không có. Mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ xem sự việc này là như thế nào", anh Chu Minh Ngọc - huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bày tỏ.

Bỏ đấu giá đất 30 tỷ đồng/m2: Siêu bão thổi giá đất - Ảnh 1.

Hoạt động đấu giá đất không được làm như đúng ý nghĩa của nó đã gây bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Khi công bố về trường hợp trả giá đó, cả hội trường trở nên hỗn loạn, bức xúc với đối tượng trả giá. Đều khẳng định rằng đây là hành vi cố tính phá hoại, trung tâm phát triển quỹ đất đã phải trấn an mọi người đang ở trong phiên đấu giá".

Được biết, giá đất trong dân tại xung quanh khu đất đấu giá dao động từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại phiên đấu, có những lô được trả giá lên hơn 100 triệu đồng/m2. Đỉnh điểm có 3 lô được cùng 1 người trả lên 30 tỷ đồng/1m2. Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, dấu hiệu phá rối cuộc đấu giá liên quan đến một nhóm gồm 6 khách hàng đến từ huyện Đông Anh, Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Bỏ đấu giá đất 30 tỷ đồng/m2 có thể bị xử lý hình sự

Việc trả giá thật cao, rồi không tham gia trả giá ở vòng cuối cùng khiến phiên đấu giá đã mất rất nhiều công sức để tổ chức nhưng cuối cùng thất bại và cũng gây ra sự lo ngại lớn. Bởi theo thông tin phóng viên VTV nhận được, ngay sau phiên đấu giá bất thường tại huyện Sóc Sơn, cũng vào cuối tuần qua, tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, 22 lô đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động cũng đấu giá bất thành.

Được biết, tại phiên đấu giá lần này ở Thanh Oai, các vòng đấu đầu tiên vẫn diễn ra bình thường. Đến vòng thứ 8 (khi giá trả cao nhất ở mức 70,3 - 80,3 triệu đồng/m2) thì khách hàng đồng loạt bỏ cuộc, không trả giá tiếp nên các lô đất đấu giá không thành công. Như vậy, kịch bản khá giống với vụ việc ở Sóc Sơn, chỉ có điểm khác là giá không bị đẩy lên 30 tỷ đồng/m2.

Theo nhận định từ các chuyên gia, trong hoạt động đấu giá tài sản, nếu người nào không có nhu cầu, không có khả năng thanh toán tiền để nhận đất sử dụng, không muốn mua nhưng vẫn tham gia đấu giá, trả giá cao rồi bỏ cọc, bỏ đấu giá khiến cho cuộc đấu giá không thành công, phải tổ chức đấu giá lại là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật và là hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bỏ đấu giá đất 30 tỷ đồng/m2: Siêu bão thổi giá đất - Ảnh 2.

Việc trả giá thật cao, rồi không tham gia trả giá ở vòng cuối cùng khiến phiên đấu giá đã mất rất nhiều công sức để tổ chức nhưng cuối cùng thất bại và cũng gây ra sự lo ngại lớn.

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn cho biết, phiên đấu giá tổ chức từ sáng sớm tới 20h tối thì xảy ra sự cố trả giá cao bất thường và không tham gia trả giá ở vòng cuối cùng. Nhưng theo quy chế, trường hợp như vậy không bị coi là vi phạm, nên vẫn nhận lại được tiền cọc. Điều đó có nghĩa, các đối tượng này lại không hề bị thiệt hại gì.

Tuy nhiên, đại diện huyện Sóc Sơn khẳng định, sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình gây nhiễu loạn.

Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội thông tin: "UBND huyện đã gửi công văn cho Công an huyện. Cũng mong Công an thành phố sớm có biện pháp xử lý với các hành vi thổi giá, gây nhiễu thị trường, cuối cùng rút lại không trả giá ở vòng cuối cùng. Điều này làm ảnh hưởng tới thị trường, tới chính quyền, làm mất công mất sức của hàng trăm người tham gia đấu giá".

Luật sư Bùi Quang Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự nhận định: "Hành vi nâng giá lên 30 tỷ đồng, sau đó lại bỏ là rất nghiêm trọng, phá hoại việc tổ chức bán đấu giá. Theo quy định Nghị định 82 năm 2020 có thể bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước cho rằng hành vi này là nghiêm trọng, có thể bị xử hình sự. Theo Bộ Luật hình sự, phạt tù từ 1-5 năm và có thể phạt tới 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng".

Theo quan sát từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nguyên nhân dẫn tới hành vi "phá" cuộc đấu giá của những đối tượng tham gia đấu giá tại Sóc Sơn, Thanh Oai vừa qua có thể xuất phát từ việc họ không thành công trong việc đưa giá đấu về mức mong muốn. Ngoài ra, hành vi được lặp lại tương tự tại cả 2 phiên đấu giá gần cùng thời điểm cũng làm dấy lên lo ngại có kịch bản sẵn giữa các nhóm đối tượng này với nhau.

Liên quan đến những dấu hiệu bất thường xảy ra trong cuộc đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn, chiều 2/12, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an Thành phố Hà Nội đã làm việc với trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Tại cuộc làm việc, những tài liệu liên quan đến cuộc đấu giá đã được huyện Sóc Sơn cung cấp để cơ quan công an điều tra làm rõ những hành vi vi phạm của nhóm đối tượng có dấu hiệu "phá" cuộc đấu giá.

Ngăn chặn những 'văn phòng bất động sản di động' đẩy giá đất Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất

VTV.vn - Ngay sau khi trúng đấu giá, không ít người đã "lướt cọc" bán lại cho người khác, ăn chênh lệch vài trăm triệu đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước