Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị trong năm 2024 xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động các chi phí đầu vào của giá điện; đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
EVN hiện vẫn rất khó khăn, khoản lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 dù giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% vào tháng 5/2023 và 4,5% vào tháng 11/2023). Tổng hai lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Dù tăng giá điện 2 lần trong năm 2023 song EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, toàn bộ chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó giá bán ra có 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh.
"Tỷ trọng chi phí mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, điều này hết sức bất bình thường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bởi lẽ, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, giá thành sản xuất điện tối đa chỉ dao động trong khoảng 40 - 50%, còn 50% là dành cho khâu truyền tải, phân phối và các hoạt động khác. Giờ giá thành sản xuất điện chiếm tới 80%, chỉ còn 20% cho các chi phí khác thì rất khó có khả năng cân đối tài chính, tối ưu hóa toàn bộ hoạt động.
Với năm 2024, lãnh đạo EVN dự báo tập đoàn tiếp tục đối mặt một loạt khó khăn thách thức. Trước mắt là khả năng cân đối tài chính, bởi 2 năm nay, EVN không cân đối được và có thể tình trạng này sẽ tái diễn.
Vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm?
Cũng tại hội nghị tổng kết, lý giải về việc vì sao giá điện chỉ tăng, không giảm, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết thông thường, sản lượng thủy điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thủy điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.
Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay, thủy điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
"Với cơ cấu nguồn như vậy, chúng ta thấy, giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thủy điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống. Điều này cần được giải thích rõ để khách hàng thấu hiểu, cũng là câu trả lời cho dư luận câu hỏi tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm".
Theo ông Tuấn, mặc dù EVN đang cố gắng tối ưu hoá các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn vẫn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện hiện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!