Bộ Công Thương cảnh báo sớm các hoạt động lẩn tránh phòng vệ thương mại

Đ.Huyền-Thứ sáu, ngày 27/05/2022 10:38 GMT+7

VTV.vn - Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai Đề án 824 tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Bộ Công Thương cảnh báo sớm các hoạt động lẩn tránh phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hợp tác về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ với các cơ quan liên quan của nước ngoài, đề xuất một số ý tưởng như cơ chế đăng ký xuất khẩu tự nguyện nhằm tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin của Việt Nam với các nước trong việc xử lý vấn đề này, nâng cao uy tín và thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng cho biết, song song với Đề án 824, việc triển khai Đề án 316 xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại cũng đã mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh để ảnh hưởng lớn trong trường hợp hoạt động xuất khẩu có kết quả không mong muốn do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.

Hệ thống cảnh báo sớm được xây dựng trên nguyên tắc theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng biện pháp tương tự đối với Việt Nam. Nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như xuất khẩu từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, hàng Việt Nam chiếm thị phần đáng kể tại thị trường xuất khẩu hay có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp sản xuất tại thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại bởi nước ngoài.

Hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu cho doanh nghiệp xuất khẩu. Điển hình trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước