Bình ổn nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 20:30 GMT+7

VTV.vn - Thị trường nhà ở trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giúp cho nhiều người dân thực hiện được giấc mơ an cư, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Một mảng tối của nhà ở xã hội, khi mà việc mua bán còn khó khăn, lắt léo, thậm chí có nhiều biến tướng, sai phạm như tình trạng nhiều người nước ngoài sinh sống trong các dự án nhà ở xã hội trái quy định.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quá trình chủ động của nhiều địa phương, thị trường nhà ở trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giúp cho nhiều người dân thực hiện được giấc mơ an cư, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Theo báo cáo kết quả giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội của Quốc hội của Quốc hội, giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có khoảng 5.000 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị được triển khai. Tổng vốn đầu tư gần 4,5 triệu tỷ đồng. Đến nay có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai. Đặc biệt, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu tháng 8, các giao dịch trên thị trường có phần khởi sắc hơn.

Bình ổn nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Đến nay có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai

Người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội

Ai cũng mong muốn được an cư. Đặc biệt là với công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Nhu cầu rất lớn, tuy nhiên để tiếp cận được nhà ở là điều không dễ, bởi giá nhà hiện nay đã vượt xa so với túi tiền của phần đông người lao động.

Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị Trân khoảng 15 triệu đồng. Với hai con nhỏ, số tiền này chỉ vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Chị cho biết, để tích góp đủ số tiền đặt cọc mua nhà đã là nỗi lo.

Chị Lê Thị Huyền Trân - Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: “Mức 500 - 600 triệu thì 20% của mức đó thì cũng hơn 100 triệu. Lương nhân viên không thể nào tích góp được, vừa nuôi con, vừa để dành số tiền lớn như vậy”.

Thu nhập bấp bênh, trong khi đó, lãi suất thuê mua nhà ở xã hội lại tăng. Trước đây, mức được áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm. Đến nay, con số này đã tăng lên 6,6%/năm. Với anh Sơn, khó khăn chồng chất khó khăn.

Anh Võ Ngọc Sơn - Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ chia sẻ: “Vừa phải trang trải cuộc sống gia đình, vừa thanh toán tiền nhà hàng tháng sẽ không đảm bảo được so với lãi suất mà ngân hàng đang áp dụng cho người dân”.

Theo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, hiện giá nhà ở tại nước ta cao gấp 20-25 lần thu nhập bình quân của người dân tại các đô thị. Đến cuối năm 2023, cả nước hầu như không có dự án căn hộ giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2.

PGS.TS. Võ Thành Danh - Giảng viên cao cấp Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ nêu ý kiến: “Mức giá hiện nay tương đối cao so với thu nhập, có khả năng thanh toán của người có nhu cầu có nhà ở. Thu nhập tăng nhưng mức tăng này không bằng mức giá của giá bất động sản”.

Giá nhà ở tăng cao. Người dân gặp khó khi mua nhà. Trong khi đó, nhiều dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long lại bị chậm tiến độ. Không ít căn hộ mỏi mòn đợi chủ, thậm chí treo bảng bán nhà đã lâu nhưng cũng chẳng ai tìm đến.

Bình ổn thị trường nhà ở xã hội

Phân khúc tầm trung ít. Ở các thành phố lớn, giá nhà lại vượt xa giá trị thực, chủ yếu dành cho người giàu và giới đầu cơ lướt sóng. Điều này khiến nhiều người dẫu tích góp cả đời cũng không mua nổi một căn nhà.

Lý giải về điều này, Bộ Xây dựng cho biết đó là câu chuyện của các dự án đã được triển khai thời gian qua. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng lãnh đạo các địa phương, nhiều dự án mới đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có mức giá hợp lý. Đây là sự nỗ lực rất lớn để giúp bình ổn được thị trường.

Trước đây ở khu tập thể của cơ quan rồi dọn ra nhà trọ, nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng cộng với tích lũy của gia đình, ông Vũ mua được căn nhà ở xã hội. Đối với ông, cuộc sống hôm nay như một giấc mơ.

Ông Nguyễn Minh Vũ - Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho biết: “Thứ nhất, giá cả phù hợp. Thứ hai, Chính phủ tạo điều kiện nếu mình không đủ vốn thì tạo điều kiện cho vay vốn với mức lãi ưu đãi tương đối”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng năm nay, sẽ có khoảng 2.000 căn nhà được bàn giao. Trong đó, nhiều dự án được đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Quang Vũ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang nhận định: “Mong muốn đem đến một tổ ấm an cư, để người dân trong bối cảnh kinh tế hiện nay có thể yên tâm sinh sống và tiếp tục phát triển kinh tế xã hội”.

Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch chung cư và nhà ở trong quý III năm nay tăng so với quý II với gần 38.500 căn. Tại TP. Cần Thơ, tỷ lệ hấp thụ của các dự án đạt trên 50%. Đây là tín hiệu lạc quan trong việc bình ổn thị trường.

Ông Đỗ Công Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ nhận định: “Hỗ trợ, giãn tiến độ thanh toán. Thứ hai là các chính sách về hỗ trợ lãi suất cho người mua, từ đó, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để thực hiện mua nhà ở”.

PGS.TS. Võ Thành Danh - Giảng viên cao cấp Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ nhận định: “Về lâu dài chúng ta phải có một chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở, chính sách vĩ mô Nhà nước, chính sách tài chính, phát triển đô thị hạ tầng về nhà ở…”.

Cơ chế, chính sách được được tháo gỡ. Hệ thống đường cao tốc dần hoàn thiện. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Đây là động lực vững chắc để thị trường nhà ở tại Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc trong thời gian tới.

Bình ổn nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Chính sách hỗ trợ đã có, nguồn cung nhà ở xã hội đã tăng dần

Cho thuê nhà ở xã hội từ 39.000đ/m2

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn sẽ tùy theo loại nhà dao động từ 57.000 đồng/m2/tháng đến 165.000 đồng/m2/tháng.

Đối với khung giá cho thuê nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng, Đà Nẵng quy định khung giá cho thuê dao động từ 39.000 đồng/m2/tháng đến 75.000 đồng/m2/tháng, tuỳ theo số tầng và diện tích của căn nhà.

Chính sách hỗ trợ nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh

Tại TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu đặt ra là đạt 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Thành phố mới ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Theo đó, hộ nghèo tại khu vực nông thôn khi mua, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ 60 triệu đồng, hộ cận nghèo là 30 triệu đồng.

Với hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, được hỗ trợ tới 90 triệu đồng khi mua, thuê mua nhà ở xã hội. Với hộ cận nghèo cũng khu vực này, số tiền hỗ trợ là 45 triệu đồng. Đối với việc thuê nhà ở xã hội thuộc tài sản công được giảm 60% tiền thuê nhà ở phải nộp.

Thành phố đang làm thủ tục 27 dự án nhà ở xã hội, có quy mô gần 40.000 căn. Hiện đã có 6 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô hơn 2.700 căn hộ. Sở dĩ quá trình xây dựng nhanh như vậy là nhờ giải pháp đột phá trong quy trình thực hiện. Trước đây, muốn làm quy trình dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải rà soát quy hoạch. Sau đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho ý kiến về chấp thuận chủ trương đầu tư, cuối cùng là Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện các bước thu hồi giao đất. Với quy trình mới, cả ba sở cùng làm bước này. Sau đó, Sở Xây dựng cùng các quận, huyện thực hiện các bước còn lại, rút ngắn đáng kể thời gian.

Chính sách hỗ trợ đã có, nguồn cung nhà ở xã hội đã tăng dần, quy trình để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở xã hội cũng đã có, nhưng cần minh bạch, có các chế tài xử lý nghiêm những sai phạm từ chủ đầu tư đến người đầu cơ, thậm chí cả những cán bộ quản lý tiếp tay. Có như vậy, giấc mơ an cư lạc nghiệp của người có thu nhập thấp mới thành hiện thực. Đây cũng là mục tiêu mà Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đang nỗ lực để thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước