Bị hủy nhiều đơn hàng do COVID-19, doanh nghiệp dệt may điêu đứng

Phương Huyền (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 09/10/2020 20:55 GMT+7

VTV.vn - Các số liệu thương mại đang chỉ ra tác động nghiêm trọng từ dịch COVID-19 đến ngành dệt may.

Phân tích các dữ liệu xuất nhập khẩu được công bố, từ khi bùng dịch đến nay, các công ty thời trang danh tiếng, quyền lực của Mỹ và châu Âu đã từ chối thanh toán 16 tỷ USD giá trị đơn hàng. Điều này được cho là có những tác động trực diện và nặng nề đến đời sống của công nhân may mặc trên khắp thế giới.

Con số 16 tỷ USD, được công bố từ nghiên cứu của 2 tổ chức bảo vệ quyền của người lao động, có trụ sở tại Mỹ. Nguyên nhân là do các nhãn hiệu thời trang hủy đơn hàng, hoặc từ chối thanh toán các đơn đã đặt trước khi xảy ra đại dịch.

Cũng theo báo cáo, đại dịch phơi bày thực trạng thiếu công bằng nghiêm trọng trong ngành công nghiệp thời trang. Các nhà cung cấp, hãng gia công ở những nền kinh tế nghèo nhất thế giới phải gánh hết chi phí sản xuất đầu vào. Các doanh nghiệp thời trang không phải thanh toán chi phí gì cho đến khi nhận được hàng.

Bị hủy nhiều đơn hàng do COVID-19, doanh nghiệp dệt may điêu đứng - Ảnh 1.

Từ khi bùng dịch đến nay, các công ty thời trang danh tiếng, quyền lực của Mỹ và châu Âu đã từ chối thanh toán 16 tỷ USD giá trị đơn hàng dệt may. (Ảnh minh họa: Reuters)

"Giữa cuộc khủng hoảng COVID-19, hệ thống thanh toán kiểu này cho phép các thương hiệu thời trang lớn củng cố vị thế tài chính của họ, bằng cách dồn hết thiệt hại và rủi ro sang cho các nhà máy gia công", ông Scott Nova, Giám đốc Hiệp hội Quyền của người lao động, Mỹ, cho biết.

Trong khi nhà máy gia công và công nhân ở các nước đang phát triển điêu đứng, một số tập đoàn bán lẻ vẫn trả hàng triệu USD tiền cổ tức cho cổ đông của mình.

Kohls, một trong những nhà bán lẻ thời trang lớn nhất của Mỹ, trả 109 triệu USD cổ tức chỉ ít tuần sau khi hủy đơn hàng của các nhà máy từ Bangladesh và những nơi khác.

Bị hủy nhiều đơn hàng do COVID-19, doanh nghiệp dệt may điêu đứng - Ảnh 2.

Nhiều nhà máy gia công và công nhân dệt may điêu đứng do dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

"Vị trí của họ ở trên cùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện cho họ lờ đi những khoản nợ với các hãng sản xuất. Họ nên coi mình có nghĩa vụ đạo đức, là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ cuộc sống của những người lao động ở đáy của chuỗi cung ứng", Giáo sư Mark Anner, Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền của người lao động toàn cầu, nhận định.

Trong những tập đoàn từ chối thanh toán các đơn hàng đã và đang sản xuất có nhiều tên tuổi lớn, từ Topshop. Walmart, Urban Outfitters hay Mothercare. Dưới áp lực truyền thông và các nghiệp đoàn, Gap, H&M, Zara đã phải điều chỉnh và đang tính toán thực hiện những nghĩa vụ tài chính của mình.

Ngành dệt may 'khát' đơn hàng, xoay xở vượt khó hậu COVID-19 Ngành dệt may "khát" đơn hàng, xoay xở vượt khó hậu COVID-19

VTV.vn - Do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành dệt may đang gặp khó, nhất là khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước