Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, mảng bảo hiểm xe cơ giới của các doanh nghiệp bảo hiểm đã thua lỗ khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Một trong những lý do khiến công tác bồi thường bảo hiểm gặp khó khăn, cũng là vấn nạn mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt đó là không thể kiểm soát được tình trạng trục lợi bảo hiểm của các chủ xe cơ giới. Đáng cảnh báo hơn là hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng đa dạng và tinh vi.
Mỗi năm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận được hàng trăm hồ sơ trục lợi bảo hiểm xe cơ giới bị phát hiện, với số tiền mà các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường ước khoảng 50 tỷ đồng/năm. Thực tế từ các vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện cho thấy, chủ xe cơ giới thường chọn địa bàn xa trung tâm, ít người qua lại và báo thời điểm xảy ra tai nạn vào đêm khuya khiến cán bộ bảo hiểm khó thể sớm tiếp cận hiện trường ngay.
Rõ ràng trục lợi bảo hiểm đang trở thành vấn nạn, vậy nó gây tác động cụ thể như thế nào tới doanh nghiệp nói riêng và tới thị trường bảo hiểm nói chung?
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: “Trục lợi bảo hiểm làm tăng chi phí bồi thường. Số tiền bồi thường này lấy từ quỹ bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm gồm các doanh nghiệp, cá nhân có xe cơ giới tham gia đóng góp, chi trả cho những người kém may mắn gặp tai nạn, tổn thất. Gia tăng bồi thường làm thâm hụt quỹ này, khả năng chi trả sẽ ít đi và doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ. Thứ hai, nếu chi trả quá nhiều sẽ làm mất lòng tin của người dân. Bởi nếu người ta biết, việc trục lợi bảo hiểm vẫn được giải quyết bồi thường thì sự tin tưởng vào quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm đối với phí mình đóng góp vào sẽ kém đi”.
Đáng nói hơn, ngày càng có nhiều khách hàng phàn nàn về việc chậm trễ trong bồi thường bảo hiểm, số lượng các hồ sơ chờ bồi thường ngày một nhiều hơn và kéo dài lâu hơn.
“Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì giải quyết rất nhanh. Tuy nhiên, có khoảng 30% số bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường có nhiều vấn đề phức tạp như: giấy phép lái xe hết hiệu lực, đăng kiểm hết hiệu lực, vụ va chạm không có ai chứng kiến, thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn có vấn đề... thì các doanh nghiệp cần tổ chức điều tra, xác minh hoặc nhờ cơ quan công an điều tra, xác minh. Bao giờ có kết luận mới được bồi thường...” – Ông Phùng Đắc Lộc cho biết.
Bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc, cũng là loại bảo hiểm có số lượng người tham gia nhiều nhất, thế nhưng, hiện hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang phải chịu lỗ, thậm chí lỗ nhiều năm liền. Những bất cập đang tồn tại dường như đang khiến các doanh nghiệp bảo hiểm sau nhiều năm vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn “thu không đủ chi”.
Theo Hiệp Hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ trong vòng 3 năm từ 2010-2012, các doanh nghiệp bảo hiểm đã lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Con số này vẫn đang có chiều hướng tăng lên theo các năm. Bên cạnh đó, quy định về bồi thường bảo hiểm cũng chưa được rõ ràng, cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bồi thường lớn hơn so với con số thực tế.
Có vẻ như sau nhiều năm triển khai, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới, một loại hình bảo hiểm bắt buộc. Vậy tại sao lại có tình trạng này, những bất cập nằm ở đâu và liệu có giải pháp nào để thủ tục bồi thường diễn ra nhanh hơn, chính xác hơn bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Đây là nội dung được đưa ra bàn luận trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần ngày 20/12, với sự tham gia của khách mời là ông Phùng Đắc Lộc,Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Sau đây là nội dung chi tiết: