Nhiều mô hình OCOP độc đáo, chất lượng đã được tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm, chương trình cũng đã trở thành giải pháp trọng tâm và phương thức phù hợp trong phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với khách hàng trong nước và quốc tế.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 240 sản phẩm được xếp hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, bằng 200% chỉ tiêu Đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2025 của tỉnh. Trong đó, 155 sản phẩm 3 sao, 83 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Trong số các sản phẩm đạt OCOP thì có 154 sản phẩm từ trà đây là cây trồng chủ lực của tỉnh; 41 sản phẩm thực phẩm chế biến như bún, miến, thịt sấy, dầu ép, nem…; 44 sản phẩm là gia vị, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm tươi sống, thô, sơ chế; 1 sản phẩm dịch vụ du lịch. Theo đánh giá, mỗi sản phẩm được xếp hạng OCOP đều nâng giá trị kinh tế lên khoảng 20% trở lên.
Riêng ở Thành phố Thái Nguyên hiện có 37 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, trong đó, có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, như: Chè Tôn nõn Hảo Đạt, Trà dây thìa canh DK, Miến Việt Cường, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na.
Với mục tiêu đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, tổ chức các hội chợ, triển lãm và xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm này bán trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…
Theo chị Đinh Thu Hà - doanh nghiệp chè Ban Mai (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) chia sẻ "Chúng tôi đang áp dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCop. Các sản phẩm sẽ được dán mã QR code và tem mác rõ ràng, sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài và tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp"
Như vậy, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế đón nhận. Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.
Thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, tăng giá trị, tích cực quảng bá các sản phẩm OCOP đã có, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, nhất là dược liệu, dịch vụ, du lịch để giá trị sản phẩm gia tăng cao hơn, thay đổi diện mạo nông nghiệp phát triển nông thôn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!