Áp lực kép với thị trường vốn mạo hiểm

Chinh Vũ (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 25/03/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Lượng vốn mạo hiểm vào châu Á trong tháng 1/2020 giảm đến 50%. Giới startup đang phải trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất.

Dịch bệnh COVID-19 đang không chỉ gây sức ép rõ rệt lên thị trường chứng khoán mà một thị trường vốn gián tiếp khác cũng không nằm ngoài tác động này là thị trường vốn mạo hiểm. Lượng vốn mạo hiểm vào châu Á trong tháng 1/2020 giảm đến 50%. Giới startup đang phải trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất và sự lo ngại về con đường tương lai của công ty tỷ USD như WeWork là có cơ sở. Vậy các công ty khởi nghiệp Việt Nam cần làm gì?

"COVID-19 có thể giết chết WeWork" - tít bài mới đây trên tạp chí uy tín Forbes tiếp tục cho thấy mối lo ngại về sự phát triển sắp tới của một trong những "biểu tượng" khởi nghiệp của thế giới.

Trong khi đó, vụ bê bối về khả năng sinh lời của chính WeWork cũng gây ra làn sóng các quỹ mạo hiểm thắt chặt hầu bao đầu tư cho startup trên toàn cầu và Việt Nam đã chính thức có nạn nhân đầu tiên vì ảnh hưởng này - Leflair đang làm thủ tục phá sản. Một áp lực kép đang đè nặng lên thị trường vốn mạo hiểm.

THIÊN NGA ĐEN VÀ KỲ LÂN GIẤY

Thị trường vốn mạo hiểm vào Việt Nam, mà phần lớn là vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang chịu áp lực kép trong thời điểm này.

Có thể hình tượng hóa áp lực này bằng hình ảnh thiên nga đen, trong kinh tế được dùng để nói đến hiện tượng cực kỳ hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả xấu cho nền kinh tế. Đó là dịch bệnh COVID-19.

Hình ảnh thứ hai là kỳ lân giấy, đại diện cho những công ty khởi nghiệp được định giá tỷ USD nhưng sau đó lại gây thất vọng nặng nề cho thị trường về khả năng sinh lời yếu kém mà cú nổ mang tên WeWork xảy ra tháng 9/2019 ở Mỹ là một điển hình, từ đó gây ra một làn sóng các quỹ đầu tư thắt chặt hầu bao trên toàn thế giới.

Có thể cảm nhận rõ tác động của cả thiên nga đen và kỳ lân giấy trong báo cáo lượng vốn đầu tư vào các công ty công nghệ châu Á trong tháng 1/2020 vừa được Tech In Asia công bố. Theo đó, lượng vốn trong tháng 1/2020 đã giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ xu hướng này khi đầu tư chỉ bằng 30% so với một năm trước. Những lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên thị trường vốn là có cơ sở, nếu nhìn vào lịch sử các đợt dịch trên thế giới.

Theo CB Insight, năm 2002 dịch SARS đã khiến tổng giá trị các khoản đầu tư tại châu Á giảm 27% trong năm 2003 và 29% trong năm 2004. Mới đây nhất, năm 2016, thị trường vốn tại Nam Mỹ cũng giảm đến 50% so với năm trước đó do ảnh hưởng của dịch Zika.

Thời điểm này chưa thể có số liệu về ảnh hưởng tổng thể của COVID-19 lên thị trường vốn nhưng với tạp chí Forbes, dịch bệnh này có thể sẽ giết chết một biểu tượng của startup thế giới – Wework.

DỊCH COVID-19 CÓ THỂ ĐE DỌA WEWORK VÀ GIỚI STARTUP TOÀN CẦU

Theo tạp chí Forbes, cùng với những khó khăn sẵn có, COVID-19 đang trở thành đón giáng mạnh vào mô hình kinh doanh của WeWork. Mới cách đây vài ngày, công ty này đã phải tạm đóng cửa 2 địa điểm văn phòng của mình tại New York để vệ sinh khử khuẩn do xuất hiện các trường hợp dương tính với virus corona.

Dù sau đó các địa điểm này vẫn được mở cửa trở lại nhưng nguy cơ đóng cửa dài hạn là rất rõ ràng, bởi những quy định hạn chế tập trung đông người cùng xu hướng chuyển sang làm việc tại nhà đã khiến ngay cả nhiều khách hàng của WeWork cũng đang phải cân nhắc lại chiến lược của mình.

Đó chính là "cơn bão" đánh trúng vào gót chân Achilles của WeWork. Công ty này cho phép các đơn vị thuê mặt bằng có thể ký hợp đồng theo từng tháng và có đến 28% khách hàng của công ty chọn phương án này. Điều đó có nghĩa, các khách hàng sẽ có thể không gia hạn hợp đồng nếu như họ gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh. Trong khi đó, phần lớn khách hàng còn lại cũng chỉ ký với WeWork các bản hợp đồng 1 năm.

Theo tạp chí TheStreet, WeWork cũng sẽ chỉ là 1 trong những startup có nguy cơ ngã gục từ cuộc khủng hoảng do COVID-19. Nguyên nhân chính đến từ những gián đoạn mạnh trong nhu cầu khi các doanh nghiệp đều thu hẹp sản xuất và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.

Trong khi đó, giới đầu tư vốn đang đau đầu vì phố Wall đỏ sàn cũng nhiều khả năng thắt chặt hầu bao và chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn, kéo theo triển vọng của các đợt gọi vốn mạo hiểm trở nên ngày càng mờ

THỜI CỦA NHỮNG STARTUP "CON GIÁN?"

Câu hỏi được quan tâm lúc này: là "áp lực kép" trên thị trường vốn mạo hiểm ảnh hưởng như thế nào đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam?

Nếu chỉ nhìn vào những thông tin công bố đầu tư vào startup Việt từ đầu năm đến nay thì thấy có vẻ như chưa có ảnh hưởng gì. Có những startup mới gọi được vốn hàng triệu USD như Waves, Jupviec... các cựu binh như Elsa, Lozi cũng tiếp tục được huy động nguồn vốn hàng chục triệu USD hay cá biệt có trường hợp của Siêu Việt sở hữu 4 nền tảng tuyển dụng nhân sự gọi được đến hơn 30 triệu USD.

Tuy nhiên, câu chuyện thực tế sẽ không hẳn đơn giản như thế. Bởi thông thường, số vốn mạo hiểm được công bố là vốn cam kết, nghĩa là số vốn dần được giải ngân sau cả một quá trình chứ không phải rót tiền tươi một lúc. Do đó, không loại trừ khả năng quyết định của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng trong bối cảnh có biến động mạnh. Thế nên mới có chuyện startup Leflair phải tạm dừng hoạt động do nhà đầu tư đột ngột ngưng cấp vốn để rồi chỉ sau khoảng 1 tháng bị sức ép đấu tố nợ nần từ hàng trăm nhà cung cấp trong khi không thể tìm được nguồn vốn mới, Leflair cho biết đang làm thủ tục tuyên bố phá sản.

Giữa tháng 3/2020, tập đoàn Vingroup cũng quyết định ngừng hoạt động Vingroup Ventures, ban đầu được định hướng là quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô lên đến 100 triệu USD, tương ứng hơn 2.300 tỷ đồng và không bình luận về nguyên nhân.

Dù vậy, nhìn tổng thể, đây sẽ là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của các startup "con gián" - một khái niệm mà giới công nghệ dùng để nói về các công ty chú trọng đến lợi nhuận thay vì chú trọng đến tăng trưởng như khái niệm công ty kỳ lân.

THỊ TRƯỜNG KHÓ KHĂN LÀ CƠ HỘI CHỨNG MINH THỰC LỰC

Công ty khởi nghiệp làm nền tảng tuyển dụng nhân sự chuyên về công nghệ thông tin TopDev vừa được một nhà đầu tư Hàn Quốc rót đến hàng triệu USD ở vòng gọi vốn đầu tiên.

Không giống như một số lĩnh vực khác phải liên tục đốt tiền đầu tư, chịu lỗ trong nhiều năm để thu hút người dùng cuối, đại diện startup cho biết đã bắt đầu phát sinh lợi nhuận từ cách đây 2 năm. Đây là yếu tố được nhà đầu tư đánh giá cao trong thời điểm vốn cho startup đang có xu hướng thắt chặt hầu bao.

Theo giới quan sát, không hẳn lĩnh vực nào cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh áp lực kép hiện nay. Ví như mô hình chợ thương mại điện tử hoặc các công ty thanh toán điện tử cũng sẽ thu hút nhiều người dùng hơn để tránh tiếp xúc trực tiếp vì lo ngại COVID-19. Tuy nhiên, lời khuyên chung của giới đầu tư dành cho các nhà sáng lập vẫn là phải hiệu quả hơn, chi tiêu tiền hợp lý, tập trung giữ chân khách hàng bằng việc cắt giảm chi phí hay khai thác các dịch vụ có lợi nhuận cao hơn.

Ví dụ mới nhất là OYO, công ty kỳ lân về chuỗi khách sạn và nhà ở mới đây đã phải thông báo cắt giảm 5.000 việc làm trên phạm vi toàn cầu. Trước đó, sàn TMĐT Bukalapak ở Indonesia cũng cho thôi việc 250 nhân viên, để nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững thay vì chỉ tăng trưởng ngắn hạn như trước.

Theo một báo cáo về thị trường vốn mạo hiểm Đông Nam Á năm 2019 của Cento Ventures, tổng vốn đầu tư vào khu vực dù giảm gần 40% theo năm nhưng Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng khi lần đầu vượt Singapore về lượng vốn đầu tư, đạt hơn 740 triệu USD. Một phần vì là thị trường mới nổi và ít các thương vụ vòng vốn lớn trên 50 triệu USD. Tuy nhiên, giới quan sát phân tích, sau giai đoạn đầu tư thăm dò, giờ đây, nhiều nhà đầu tư đã hiểu biết nhất định về thị trường Việt Nam và các quyết định đầu tư sẽ đặt yêu cầu cao hơn về chất lượng.

Có thể là còn sớm để xác định những ảnh hưởng từ biến động trên thị trường vốn mạo hiểm nhưng một điều có thể khẳng định là những công ty khởi nghiệp với mô hình kinh doanh tốt, có lợi thế cạnh tranh riêng vẫn sẽ tìm được chỗ đứng cho mình. Bối cảnh khó khăn cũng chỉ sẽ như "lửa thử vàng".

Nói như trong bức thư mà Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capial của Mỹ vừa gửi cho các startup trong mùa dịch COVID-19 rằng rất nhiều công ty thế kỷ đã được sinh ra và rèn giũa trong những thời kỳ khó khăn nhất. Google và Paypal đã được rèn dũa qua thời kỳ đổ vỡ của bong bóng dot-com. Gần đây, AirBnb hay Square đã vươn lên từ giữa khủng hoảng tài chính toàn cầu. Như Darwin đã nói, những người sống sót sau cùng không phải là người mạnh nhất hay thông minh nhất mà là người dễ thích nghi nhất để thay đổi.

Uber, WeWork hay Lyft: Các mô hình kinh tế chia sẻ liệu có trở thành 'kỳ lân giấy'? Uber, WeWork hay Lyft: Các mô hình kinh tế chia sẻ liệu có trở thành "kỳ lân giấy"? Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng top 10 startup kỳ lân châu Á Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng top 10 startup kỳ lân châu Á Giới đầu tư chú trọng tới lợi nhuận hơn là tăng trưởng của các startup Giới đầu tư chú trọng tới lợi nhuận hơn là tăng trưởng của các startup

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước