Đã 5 ngày kể từ khi Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, theo đó mọi giao dịch có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng một lần hoặc hơn 20 triệu đồng một ngày đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học để đảm bảo tính an toàn, bảo mật.
Khảo sát 30 triệu người dùng về cảm nhận của khách hàng với quy định xác thực sinh trắc học, kết quả vừa công bố cho thấy, gần 84% số người được hỏi cho biết đã từng giao dịch có giá trị lớn; và có hơn 74% cho biết đã hoàn thành xác thực sinh trắc học đối chiếu với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mặc dù có khoảng 1/3 câu trả lời cảm thấy khó khăn với việc này nhưng 70% người được hỏi cho biết đồng tình với quy định và mong muốn có các biện pháp ngày càng hiệu quả để bảo vệ tài khoản. Có 60% người dùng cảm thấy việc sử dụng xác thực sinh trắc học tiện lợi hơn so với phương pháp truyền thống như sử dụng mật khẩu, mã OTP, faceID, mã PIN, câu hỏi bảo mật hay xác thực qua email.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì sau 3 ngày triển khai, đến tối ngày 4/7, đã có 17,8 triệu tài khoản ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học thành công. Con số này bằng tổng số tài khoản mà toàn hệ thống ngân hàng mở được trong cả năm ngoái.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm 1 lớp bảo vệ nên chắc chắn là an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.
"Xác thực sinh trắc học là thêm 1 lớp bảo vệ nữa, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào, nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi hơn và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng được tốt hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!