VTV.vn - Cổ phiếu một số ngân hàng gần đây đồng loạt tăng giá mạnh, có thể trở thành động lực thúc đẩy thị trường tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nhiều tín hiệu tích cực đã trở lại với các ngân hàng như: tín dụng tăng trưởng, kết quả kinh doanh tốt. Việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu cũng mở ra triển vọng giải quyết triệt để "cục máu đông" này, khai thông cho các hoạt động kinh doanh tín dụng.
Gần đây, cổ phiếu một số ngân hàng đồng loạt tăng giá mạnh. Diễn biến này có thể trở thành động lực thúc đẩy thị trường tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân chính xuất phát từ những tín hiệu tích cực trong việc xử lý nợ xấu và kết quả kinh doanh khả quan của các nhà băng.
Nợ xấu sẽ được xử lý triệt để
Ngày 21/6, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ có tác động rất tích cực giúp các ngân hàng xử lý hiệu quả nợ xấu và hoạt động bình thường trở lại từ năm 2018. Đồng thời cũng sẽ giúp các ngân hàng chuẩn bị cho Basel 2 (là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, theo đó tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu là 8% tổng tài sản có rủi ro, và rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành , rủi ro thị trường, chia thành nhiều mức từ 0% - 150% hoặc hơn) sẽ được áp dụng từ năm 2020.
Sở dĩ có sự kỳ vọng như vậy (theo nhận định của một công ty chứng khoán) là bởi Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa thông qua quy định tăng thêm quyền tự quyết cho các ngân hàng trong việc thu giữ và chuyển quyền sở hữu tài sản đảm bảo, bán thanh lý nợ xấu cùng tài sản đảm bảo ở giá thị trường, phân bổ lỗ từ xử lý nợ xấu trong vòng 5-10 năm. Nghị quyết cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng thị trường mua bán nợ thứ cấp. Như vậy, chủ nợ (ngay cả VAMC) sẽ có thêm quyền tự quyết trong việc bán nợ với giá mà thị trường chấp nhận.
Kết quả kinh doanh khả quan
Cùng với đó, các ngân hàng cũng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của Ngân hàng BIDV, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.200 tỷ đồng, thực hiện 41% kế hoạch năm. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ đạt 1.730 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cổ phiếu của BIDV đã liên tục tăng từ đầu quý 2 đến nay và hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng 40% kể từ đầu năm.
Một ngân hàng khác là Sacombank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng. Tính riêng tháng 5 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, nâng lũy kế 5 tháng lên 404 tỷ đồng, bằng 89,8% kế hoạch cả năm đề ra trong đề án đã được NHNN duyệt. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu STB đã tăng gần 50% kể từ đầu năm.
Các ngân hàng khác hiện chưa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ. Tuy nhiên, cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã tăng chóng mặt, như NCB tăng 96%, SHB tăng hơn 60%, MB và ACB tăng hơn 50%.
Tăng trưởng huy động và tín dụng tích cực
Bên cạnh kết quả kinh doanh, các số liệu về tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.
Tính đến hết 31/5, tổng tài sản của BIDV đạt xấp xỉ 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 788,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9%. Trong đó dư nợ phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9%, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 11%, công nghiệp hỗ trợ tăng 15%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 30%, lĩnh vực xuất khẩu tăng trên 5%.
Huy động vốn đạt 826,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm; trong đó huy động vốn bán lẻ là 470,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,9% (đầu năm là 54,7%). Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 2,14% cuối quý I/2017 xuống 1,64%.
Còn đối với Sacombank, hoạt động tín dụng tăng trưởng 9% với dư nợ gần 213.000 tỷ, trong đó cho vay với các lĩnh vực ưu tiên tăng 20% so với đầu năm. 5 tháng đầu năm, ngân hàng này đã tự xử lý được gần 740 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi gần 195 tỷ nợ bán VAMC.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/5, tín dụng tăng trưởng 6,53% - mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào hoạt động ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt tín dụng đổ vào bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2016.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!