VTV.vn - Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia đã chia sẻ về cơ hội của vải thiều Việt khi đặt chân vào thị trường mới.
Sau 12 năm đàm phán, cuối cùng, vải thiều Việt Nam cũng được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Australia. Thời gian cấp phép gấp gáp, ngay sát với thời điểm thu hoạch quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đã vượt qua được các khâu kiểm dịch khắt khe, có mặt tại các siêu thị Australia.
Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia - được cho là một trong những người rất tâm huyết và tích cực giới thiệu đặc sản Việt Nam đến bạn bè Australia - đã chia sẻ về cơ hội của trái vải Việt Nam trên thị trường mới này: "Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng tương đối phấn khích với vải Việt Nam xuất hiện trái mùa tại Australia. Đến thời điểm này, vải Việt có lượng tiêu thụ tốt nên nhiều khả năng các công ty tiếp tục nhập trong thời gian tới."
Vải Việt Nam có giá 21-22 AUD/kg, cao hơn so với sản phẩm của nước khác, trong đó có Trung Quốc. Giá vải Trung Quốc chỉ khoảng 16 AUD/kg. Tuy nhiên, theo chia sẻ của người tiêu dùng, mức giá 21-22 AUD/kg đối với vải thiều Việt Nam là chấp nhận được do đây là sản phẩm trái mùa. Hơn nữa, quả vải Việt Nam có chất lượng tốt, tươi ngon, vỏ mỏng, ngọt thanh, vị thơm.
Vải Việt Nam có giá bán khoảng 21-22 AUD/kg tại Australia. (Ảnh: Zing)
- Theo ông, cơ hội để vải thiều Việt có thể được bán tại những hệ thống phân phối lớn ở Australia như thế nào?
- Là năm đầu tiên xuất sang Australia và mang tính thăm dò thị trường, vải thiều Việt Nam chủ yếu được bán ở 2 thành phố Melbourne và Sydney, trong các siêu thị nhỏ và quầy hàng hoa quả của người gốc châu Á. Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các công ty bán lẻ lớn như Woolworths hay Coles, tìm cách đưa trái vải vào hệ thống siêu thị của họ. Tuy nhiên, các siêu thị này còn chờ tín hiệu của thị trường và phản ứng của người tiêu dùng Australia.
- Australia cũng là nước trồng vải. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam?
- Người tiêu dùng Australia, nhất là những người gốc Á, đã quen với loại trái cây này từ nhiều năm nay, và đây cũng là nước trồng vải. Tuy nhiên, mùa thu hoạch sản phẩm này từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau nên vải của Việt Nam không phải cạnh tranh với Australia. Bên cạnh đó, về hình thức và chất lượng, trái vải của Việt Nam cũng tương tự như sản phẩm của Australia. Về khoảng cách địa lý, Việt Nam tương đối gần Australia, nên thời gian vận chuyển được rút ngắn, kể cả bằng đường hàng không và đường biển.
- Khả năng cạnh tranh của quả vải Việt so với Trung Quốc và Thái Lan ra sao?
- Tại Australia, vải của Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan. Ở mức độ nào đó, vải của 2 nước trên đã có thương hiệu. Trung Quốc và Thái Lan cũng xây dựng được hệ thống phân phối, tiêu thụ, nên sản phẩm của họ có mặt tại các siêu thị, quầy hàng hoa quả ở nhiều khu vực của Australia. Trong khi đó, với Việt Nam, thị trường này là hoàn toàn mới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, ông Lương Thanh Nghị. (Ảnh: Zing)
Sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong nước và các địa phương cũng rất quan trọng. Nông dân cần được hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát các quy trình sản xuất, xuất khẩu theo tiêu chuẩn của Australia. Đồng thời, công nghệ tiên tiến để bảo quản trái vải được tươi lâu mà vẫn đảm bảo được chất lượng cũng phải được áp dụng. Tất cả những động thái trên nhằm giảm chi phí, nhất là khâu vận chuyển.
Hiện Việt Nam mới chỉ sử dụng 2 cơ sở chiếu xạ tại TP HCM và vận chuyển bằng đường hàng không nên chi phí cao. Nếu chúng ta có những cơ sở chiếu xạ, đóng gói gần nơi trồng, bảo quản tốt và vận chuyển bằng đường biển, giá thành sẽ hạ. Trái vải Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn về giá với các nước khác.