Chuyên mục

Những thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Thu Hiền - Theo Báo Bình Định - 12/11/2014 - 15:24 - Tiêu dùng

VTV.vn - Năm 2014, Hoài Nhơn có bốn sản phẩm đoạt giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Năm 2014, Hoài Nhơn có bốn sản phẩm đoạt giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ở sân chơi lớn hơn của những thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng không thiếu sự góp mặt của Hoài Nhơn. Bên cạnh đó, đã từ lâu, xứ Dừa “neo” trong lòng khách thập phương bởi những thương hiệu đã được khẳng định qua thời gian.

“Hút hàng” chiếu cói Thanh Trang

Những ngày cuối năm, xưởng làm chiếu cói dệt máy của chị Lê Thị Thanh Trang (ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc) nhộn nhịp tiếng khung dệt, tiếng máy may. “Mùa này làm hàng ăn Tết nên ngày nào tụi tui cũng làm thêm giờ” - chị Nguyễn Thị Tiến, ở thôn Chương Hòa, một thợ dệt của cơ sở chia sẻ.

Chị Trang gom chiếu bỏ mối bạn hàng.

Chị Trang gom chiếu bỏ mối bạn hàng (Ảnh: Báo Bình Định)

Những năm 1990, nghề dệt chiếu cói thủ công ở Chương Hòa tưởng đã phải “trút hơi thở cuối cùng” bởi sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại dệt bằng máy. "Chiếu gom bỏ bạn hàng lúc được, lúc không. Nghĩ mình bị động kiểu này cũng chết, tui quyết định mua máy dệt chiếu, mở xưởng làm tại nhà” - chị Lê Thị Thanh Trang, Chủ Cơ sở Dệt chiếu cói Thanh Trang tâm sự.

Vậy là vợ chồng trẻ bỏ ra 30 triệu đồng mua chiếc máy dệt chiếu cói đầu tiên. Mấy tháng trời tự nghiên cứu, chị quyết định đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua thêm 9 máy dệt nữa cho chẵn chục, xây nhà xưởng, mua cả tấn nguyên liệu về làm.

Hiện nay, chiếu cói chị Trang có nhiều kích cỡ và mức giá. Chiếu 1,6m giá 190 ngàn đồng/đôi, chiếu 1,4m giá 170 ngàn đồng/đôi, loại 1,2m giá 150 ngàn đồng/đôi, chiếu 1m thì 120 ngàn đồng/đôi, còn loại 8 tấc giá 100 ngàn đồng/đôi. Công nhân được khoán sản phẩm, tiền công 12.000 đồng/chiếc, thợ giỏi mỗi ngày dệt hơn chục chiếc.

Dalop - Muốn bán bánh tráng cho người nước ngoài

Học Quản trị kinh doanh, vào đất Sài thành lập nghiệp 15 năm, bỗng đột ngột Phạm Quốc Bảo tuyên bố về quê mở công ty sản xuất... bánh tráng, khiến nhiều người “bán tín bán nghi”. Năm 2009, Công ty TNHH Nhân Hòa (ở xã Hoài Xuân) chính thức ra đời, với sản phẩm chính là bánh tráng.

Sản xuất bánh tráng Dalop (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Sản xuất bánh tráng Dalop (Ảnh: Báo Bình Định)

“Má tôi làm nghề bánh tráng hơn 20 năm. Mỗi khi về quê, bạn bè vẫn hay nhờ gửi mua. Quan trọng hơn, khi còn làm việc trong TP Hồ Chí Minh, thấy nhiều phụ nữ quê mình phải xa nhà mưu sinh, nên tôi nghĩ, nếu có việc làm ở quê thì họ sẽ bớt vất vả. Kết hợp nhiều thứ, ý tưởng sản xuất một loại bánh tráng có thể ăn ngay đã hình thành từ đó.”- Phạm Quốc Bảo tâm sự.

Ý tưởng của Bảo được hai người em đồng hương ủng hộ và góp sức chung vốn từ năm 2009. Nhưng chặng đường biến ý tưởng trở thành hiện thực và thành công như hôm nay của ông chủ Dalop cũng gặp không ít trở ngại. Trong quá trình mày mò tìm hiểu trang thiết bị ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Bảo nhận thấy máy tráng bánh ở đây chỉ tráng được một lớp, còn bánh tráng truyền thống của quê mình có hai lớp, dày và thơm. Mang chiếc máy đầu tiên từ thành phố về, Bảo cùng anh em “độ” thêm một bộ tương tự, nối với nhau bằng những thiết bị tự chế tạo, cho ra lò loạt sản phẩm công nghiệp bánh tráng đa lớp đầu tiên tại quê nhà.

Hiện nay, sản phẩm bánh tráng đa lớp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều khách hàng không chỉ quen mà còn “nghiện” loại bánh tráng hình vuông, gói trong bao bì, có nhãn hiệu, ăn giòn, thơm.

Dầu dừa tinh khiết Ngọc An

Dầu dừa tinh khiết được sản xuất bằng công nghệ ép lạnh là sản phẩm mới từ dừa của HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây). Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An Nguyễn Thông cho biết, Hoài Nhơn là xứ Dừa, nhưng chỉ phát triển mạnh về chế biến cước chỉ xơ dừa, còn việc chế biến các phần còn lại của trái dừa (cùi dừa, gáo dừa và nước dừa) hầu như không có. Trong khi đó, hơn 70% giá trị gia tăng của ngành dừa được đóng góp bởi các sản phẩm được chế biến từ cùi dừa là sữa dừa, dầu dừa, hay kẹo dừa...

 HTXNN Ngọc An đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm dầu dừa tinh khiết.

 HTXNN Ngọc An đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm dầu dừa tinh khiết.

(Ảnh: Báo Bình Định)

Năm 2012, HTX bắt tay vào sản xuất dầu dừa tinh khiết với sự tài trợ một phần vốn và kết nối thị trường đầu ra của Dự án Sinh kế nông thôn bền vững; đồng thời, hợp tác với Công ty TNHH Dầu dừa Pha Lê (TP Hồ Chí Minh). Dầu dừa tinh khiết chiết xuất 100% từ cơm dừa tươi nguyên chất bằng phương pháp sấy lạnh tiên tiến, giúp giữ lại hương vị tự nhiên và các chất có lợi cho sức khỏe.

Hướng đi năng động này của Ngọc An đã giúp xã viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. “Mặt hàng này cứ có là bán thôi, không biết ế là gì. Công suất của dây chuyền ép lạnh dừa nhiều lắm, nhưng lượng dừa phong phú khoảng từ tháng 3 đến tháng 11, còn lại là dừa cọt cuối mùa cố gắng gom từ Phù Mỹ đến Hoài Nhơn cũng chỉ được 600-700 trái/ngày.” - ông Thông nói thêm.

Mô hình sản xuất dầu dừa hoàn toàn có khả năng tiếp tục nhân rộng. Ông Nguyễn Thông bày tỏ: “Kinh doanh các sản phẩm truyền thống là một hướng mới của HTX để giúp xã viên tăng thêm thu nhập từ nghề truyền thống. Và quan trọng hơn hết là đặc sản của xứ dừa được nhiều người biết đến”.

Máy ép lạnh dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An.

Máy ép lạnh dầu dừa tinh khiết của HTXNN Ngọc An (Ảnh: Báo Bình Định)

Dẻo thơm bánh hồng Tam Quan

37 năm làm dâu, hơn 30 năm nối nghề làm mè xửng của mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - chủ cơ sở mè xửng Bà Điền (thị trấn Tam Quan) - tiếp tục thành công với món bánh hồng dẻo, thơm. “Tôi muốn làm sống dậy thức quà quê này quanh năm thay vì chỉ xuất hiện vào dịp đám cưới, đám hỏi” - bà Mai bắt đầu câu chuyện về chiếc bánh hồng quê mình.

 Khách một lần ăn miếng bánh hồng là nhớ, hễ có dịp lại ghé cơ sở mè xửng Bà Điền mua làm quà.

 Khách một lần ăn miếng bánh hồng là nhớ, hễ có dịp lại ghé cơ sở mè xửng Bà Điền mua làm quà

(Ảnh: Báo Bình Định)

Vị ngọt thanh tao của đường, cái dẻo của bột nếp, vị béo giòn của dừa tạo nên một hương vị đặc biệt. Người Bình Định tha hương xứ người ăn miếng bánh nhớ về quê nhà da diết. Khách thập phương đi ngang xứ nẫu dứt khoát phải ghé vào mua chiếc bánh làm quà….  

Thu Hiền - Theo Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

XEM

Nhiều tiềm năng phát triển bền vững ngành nguyên liệu F&B tại Việt Nam

VTV.vn - Xu hướng tiêu dùng mới và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang khiến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho ngành F&B.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới?

VTV.vn - Theo Wall Street Journal, sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “Loud Budgeting" (tiết kiệm ồn ào) bắt đầu nở rộ.